Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Francisco Tárrega

Francisco Tárrega, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ guitar nổi tiếng người Tây Ban Nha, sinh ngày 21/11/1852 tại Villarreal, Tây Ban Nha. Lúc còn nhỏ do một lần ngã xuống mương nước nên ông bị giảm thị lực nghiêm trọng. Một phần vì lí do này, gia đình ông chuyển đến Castellon và cho Tarrega theo học âm nhạc nhằm kiếm sống sau này. Cả hai thầy dạy nhạc của ông, Eugeni Ruiz và Manuel Gonzalez, đều bị khiếm thị. Năm 1862, Julian Arcas đã nghe Tarrega đàn và khuyên cậu bé nên đến Barcelona, thủ đô âm nhạc của Tây Ban Nha. Tuy vậy, vì đã đi lang thang kiếm tiền thay vì đi học, cha ông đã buộc ông quay trở về.
Tarrega theo học Nhạc viện Madrid vào năm 1874, với sự giúp đỡ về tiền bạc của Antonio Canesa, một doanh nhân giàu có. Tại đó ông học sáng tác với Emilio Arrieta. Khoảng cuối những năm 1870, ông dạy guitar (Emilio Pujol và Miguel Llobet là những học trò của ông) và biểu diễn đều đặn. Là một thiên tài về guitar, Tarrega được mệnh danh là "Sarasate of the guitar". Sau đó ông đến Barcelona và mất tại đó vào ngày 15/12/1909.
Không chỉ sáng tác, Tarrega còn chuyển soạn nhiều tác phẩm từ các nhạc cụ khác, trong số đó có cả những tác phẩm của Ludwig van Beethoven, Fredéric Chopin hay Felix Mendelssohn. Với những người bạn của mình, như Isaac Albeniz, ông thích sự kết hợp của xu hướng Lãng mạn trong âm nhạc cổ điển với những yếu tố dân ca Tây Ban Nha, và đã chuyển soạn một số tác phẩm piano của Albeniz (mà đặc sắc trong số đó là Asturias (Leyenda) cho guitar. 9 Preludes của Tárrega, theo Angelo Gilardino, là "... suy tưởng âm nhạc sâu sắc nhất của Tarrega trong một hình thức cô đọng nhất."
Tarrega được công nhận là có vai trò quan trọng trong việc phát triển guitar cổ điển ở thế kỉ 20 và khẳng định vị trí của guitar như một nhạc cụ độc tấu. Chính Andres Segovia, sau này cũng đã sử dụng nhiều bài tập kĩ thuật và sáng tác của Tarrega để đưa cây guitar cổ điển vào những thính phòng hòa nhạc châu Âu.
Francisco Tárrega đã đặt nền móng cho guitar cổ điển thế kỉ 20, đã đưa vào guitar cổ điển các kĩ thuật trước đây chưa từng có và vẫn được dùng đến ngày nay, chẳng hạn ông sử dụng cả ngón đeo nhẫn để gảy đàn trong khi trước đó người ta chỉ dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, kĩ thuật reo dây (tremolo) dành cho guitar cổ điển là phát minh của ông: dùng các ngón trỏ, giữa, đeo nhẫn gảy liên tục vào cùng một dây tạo nên cảm giác tiếng đàn ngân nga không dứt, một ví dụ điển hình cho kĩ thuật này chính là Recuedos de la Alhambra lừng danh. Alhambra là tên một quần thể lâu đài và vườn hoa thuộc thành phố Granada miền nam Tây Ban Nha. Đây là vết tích hiếm hoi còn sót lại của thời huy hoàng của văn hoá hồi giáo trên đất Tây Ban Nha, từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 15. Francisco Tarrega sáng tác bài này cuối thế kỷ 19. Tác phẩm này là một trong những sáng tác được biết đến nhiều nhất trong giới hâm mộ nhạc Tây Ban Nha cổ điển.
Francisco Tárrega sáng tác không nhiều, chỉ viết 78 tác phẩm và 120 bản chuyển soạn của các nhạc sĩ như Beethoven, Chopin, Mendelssohn và các nhạc sĩ cùng thời như Albéniz
* Tác phẩm sáng tác tiêu biểu: Recuedos de la Alhambra (Hoài niệm về Alhambra), Capricho Árabe, Danza Mora
* Tác phẩm chuyển soạn tiêu biểu: Asturias (Leyenda) của Isaac Albéniz
* Antonio de Torres trong bộ sưu tập của Shel Urlik.
Tháng 1 năm 1906 ông bị bại liệt nửa người bên phải, không bao giờ ông hồi phục hoàn toàn nhưng vẫn còn tiếp tục lên sân khấu được.
Ông đã hoàn thành tác phẩm cuối cùng Oremus vào 2 tháng 12 năm 1909. Ông mất tại Barcelona 13 ngày sau đó, vào ngày 15 tháng 12 năm 1909, hưởng thọ 57 tuổi.

Recuedos de la Alhambra - Narciso Yepes
Capricho Árabe - Julian Bream

Asturias (Leyenda) - John Williams

(Sưu tầm & biên tập)

2 nhận xét:

  1. @ Lá bài tây: Hy vọng cậu không phản đối. :)

    Trả lờiXóa
  2. Sao lại phản đối chứ, mình ủng hộ mà, tất cả chỉ vì mục đích chung là đưa dòng không lời đến gần mọi người hơn :D

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.