Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Mariam Merabova với "Độc thoại - Khúc nguyện cầu"


VMC - "Cuộc thi "The Voice" của Nga đang tiến vào chung kết. Một trong những ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị quán quân là Mariam Merabova, 42 tuổi, người gốc Armenia, sinh trưởng tại Erevan (thủ đô Armenia) trong một gia đình trí thức.
Khi lên 5 tuổi, cô đã bắt đầu theo học tại trường nhạc. Sau đó theo cha mẹ chuyển đến Moskva, cô được cha mẹ gửi đến Học viện Âm nhạc Gnesinykh, học piano. Một thời gian sau, cô chuyển sang học thanh nhạc, chuyên về nhạc nhẹ và jaz. Tốt nghiệp học viện loại giỏi, cô bắt đầu sự nghiệp trong các ban nhạc jaz của thủ đô Nga và trở thành nghệ sĩ khá nổi tiếng đối với những người thích thể loại âm nhạc này.
Năm 2000, cô cho ra đời album nhạc jaz có tựa đề "Мирайф" và tham gia vào vở nhạc kịch "We well rock you" tưởng nhớ ca sĩ nổi tiếng Freddy Mercury của ban nhạc rock "Queen".
Năm 2014, ca sĩ số 1 của Nga là Alla Pugacheva mời Merabova dạy thanh nhạc tại trường đào tạo tài năng do bà mở ở thủ đô Moskva. Mặc dù phong cách của Merabova khác so với Pugacheva nhưng sau một thời gian cân nhắc, cô đã nhận lời.
Merabova quyết định tham gia cuộc thi "The Voice" năm 2014* với mong ước được đem tiếng hát của mình tới với đông đảo công chúng của Nga và các nước nói tiếng Nga. Tại cuộc thi, cô đã cover các ca khúc mà Alla Pugacheva đã trình bày trước đây, nhưng với một cách thức hoàn toàn khác và đã chinh phục được khán giả.
Một trong những phần trình diễn ấn tượng nhất của Merabova tại cuộc thi là cuộc đấu tại vòng đo ván. Tại vòng này cô phải thi đấu cùng 2 ca sĩ nữa (1 nữ và 1 nam). Cô chọn bài hát "Монолог - Реквием" (Độc thoại - Khúc nguyện cầu) của nhạc sĩ М. Минков, phổ thơ của nữ thi sĩ М. Цветаева. Ca khúc này đã trở thành kinh điển qua giọng ca của Pugacheva.
Nhưng Merabova đã vượt được qua cái bóng của Pugacheva. Không quá kịch tính, với cách thể hiện tương đối nhẹ nhàng nhưng vẫn truyền tải được những tâm tư đau đớn của bài hát, Merabova đã khiến cho không chỉ khán giả, mà cả 2 đối thủ trong cuộc đấu và các giám khảo đều phải rơi lệ."
(Nguồn: FBKN)
* Mariam Merabova đã giành giải nhất trong cuộc thi này. (HT)

"Độc thoại - Khúc nguyện cầu" qua tiếng hát của Merabova và nữ ca sĩ Alla Pugacheva. 


Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Trần Quế Sơn

         Trần Quế Sơn (1972), gốc Quế Sơn - Quảng Nam, tốt nghiệp Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, chuyên ngành sáng tác hệ chính quy khoá 1990-1999, hội viên Hội Âm Nhạc TP HCM, hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, đạt giải nhất, nhì, ba về ca khúc trong hai năm 2004, 2005 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.
         Anh thường sáng tác ca khúc theo thể loại Aria hiện đại, và những ca khúc thuộc dòng nhạc Pop, Country, phản ánh sâu sắc những tâm tư, tình cảm con người với thiên nhiên, quê hương, tình yêu… Phong cách rõ nét của Quế Sơn: giai điệu trữ tình, lãng mạn; chủ đề mới lạ; ca từ đạt được nhiều đức trong thơ văn; nội dung tác phẩm thể hiện tâm hồn thuần khiết, hồn nhiên của người nhận biết mình, của người đã có những khoảnh khắc chứng ngộ, không than thở, bế tắc trong tình yêu.
         Album đã phát hành: "Sài Gòn Twist" (Hãng Phim Trẻ); "Vì anh đấy thôi" (Bến Thành AUDIO - VIDEO), "Yêu ai rụng lá Sầu Đông" (Phương Nam Phim - năm 2010), trong đó có bài "Cõng mẹ đi chơi" do tác giả trình bày với phần hòa âm phối khí mới nhất. Đặc biệt trong album này có tổ khúc 4 ca khúc viết cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, với âm nhạc và ca từ mang bản sắc của 4 mùa khác nhau. Năm 2014 Quế Sơn ra mắt 3 album gồm "Thôn Nữ - nhạc cảm thơ Bùi Giáng", "Cõng Mẹ Đi Chơi " và "Một Thời Dấu Yêu" do Phương Nam Phim phát hành. 
         Những tác phẩm tiêu biểu: ca khúc "Tre Việt Nam", "Khi một mình", "Tình quê", "Cõng mẹ đi chơi", "Yêu cái mặn mà", "Em gái quê mình", "Yêu em nhiều hơn nắng Xuân", "Lì xì nhé "…, tổ khúc giao hưởng "Sông Thu"… 
         Ca khúc gây xúc động nhất cho mọi lứa tuổi của Trần Quế Sơn (còn gọi là Tám) là bài hát "Cõng mẹ đi chơi". Từ những em bé 4 tuổi, học sinh phổ thông, đến người lớn tuổi đều đã hát ca khúc này bằng sự hồn nhiên, chân thật của mình trên sân khấu.
         Bên cạnh việc sáng tác, Trần Quế Sơn còn là nhạc sĩ hoà âm phối khí, ca sĩ giọng Baritone trữ tình và là tay chơi đàn Organ nhiều năm qua tại TP HCM.      
        Hiện nay nhạc sĩ Trần Quế Sơn chuyên làm tổng đạo diễn chương trình ca nhạc quy mô lớn cho các đơn vị, tổ chức, công ty. Trần Quế Sơn tâm sự: "Tôi tổ chức thực hiện chương trình ca nhạc thường tiết kiệm kinh phí cho các đối tác; và chú trọng giá trị cốt lõi, văn hóa cho các công ty, đơn vị, tổ chức xã hội…"
        Trần Quế Sơn vẫn thu nhận học trò để dạy sáng tác, dạy đàn Organ và thanh nhạc để giúp các bạn trẻ thành những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.  
 (Biên tập từ: Wikipedia)


(Nguồn: Nhacso.net)

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Cõng Mẹ Đi Chơi

Trần Đăng Tuấn - "Cách đây lâu rồi, Trần Quế Sơn từ Đà Nẵng ra, trong quán nhỏ Hà nội hát cho bạn bè mình nghe "Cõng Mẹ Đi Chơi". Cả bọn xúc động rưng rưng, ngạc nhiên sao có bài hát hay thế mà ít người biết (Dù Sơn nói cũng được trao giải nào đó của Hội). Lời bài hát còn được viết lên tường quán quen. Nhiều lần không có Sơn, cả bọn nhìn lên tường nhẩm hát lại. Vì bài hát giản dị đến mức chỉ cần nghe một lần là nhớ nhạc.
         Những năm sau Sơn in đĩa. Nhưng chắc cũng ít ai mua. Sơn lụi hụi làm các đêm diễn. Nhưng không có tài trợ, có lần nhờ mình tìm nhưng mình cũng không giúp được. Sơn vẫn thế, mỗi lần mình gặp, ít ai biết. Với mình, Sơn là nhạc sỹ của "Cõng Mẹ đi Chơi", và chỉ với bài hát ấy thôi, mình nghĩ Sơn đã là tên tuổi trong làng nhạc.
         Mình yêu bài hát nên ít ra hai lần đưa lên trang FB này của mình. Ai nghe bài hát cũng nói là hay. Nhưng ít like, cũng ít cmts. Thời buổi này, khó mà đòi hỏi người ta để thời gian ra click vào cái link để nghe bài hát người ta chưa nghe. Vả lại, trên FB đầy những cái link kiểu đó. Cá nhân mình hầu như chẳng bao giờ click. Từ lâu bài hát có trên You Tube, mà ít người tìm...
         Cho đến bây giờ, do được đưa lên trên một Show truyền hình ăn khách, bài "Cõng Mẹ Đi Chơi", nói theo cách hôm nay, "gây bão mạng". Cũng còn do người hát nữa.
         Mình vui. Và nghĩ về một điều: Quả thật truyền thông đại chúng "chính thống" (ở đây là truyền hình) có khả năng cực lớn. Những giá trị tử tế và đẹp đẽ có thể vẫn bị bỏ quên nếu như không được truyền thông "để ý". Và xã hội vẫn bị mất mát vì không biết đến chúng, dù rằng có những cách khác đơn lẻ để giới thiệu về các giá trị đó.
         Một khi truyền hình để mắt giới thiệu điều hay, sản phẩm văn hoá tinh thần tốt đẹp, thì bản thân nó (truyền hình) cũng tốt đẹp thêm lên trong mắt công chúng. Đã là truyền thông thì phải 'câu view". Có điều câu view theo cách giới thiệu những cái thật sự quý thì khó hơn, nhưng là cách lâu bền hơn.
         Trách người và cũng tự trách mình, là dạo này chuyện như thế có phần hiếm hoi."
(Nguồn: T.Đ.T's FB)
CÕNG MẸ ĐI CHƠI
Sáng tác: Trần Quế Sơn
Trình diễn: Nguyễn Duy Dũng

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

CHÀO 2015!

Nhân dịp năm mới 2015 mời các bạn cùng thưởng thức bản Champagne Polka của Johann Strauss.

Chúc mừng năm mới 2015

Thân chúc những người bạn nhạc của GAN 
một năm mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc.