Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Jacqueline du Pré với Concerto cho cello của Elgar

Bản Concerto Op. 85 dành cho đàn Cello là tác phẩm chính cuối cùng của nhà soạn nhạc vĩ đại người Anh Edward William Elgar. Đây là một tác phẩm đầy tính phức tạp nhưng có khả năng gây xúc động nhanh chóng đã khép lại mỹ mãn cho cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. 


Elgar viết tác phẩm giữa thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất – thời điểm mà âm nhạc chỉ dành cho công chúng tại các chương trình hoà nhạc không còn phù hợp nữa. Không giống như bản Concerto dành cho đàn Violin đậm chất trữ tình trước đây của Elgar, bản Concerto dành cho đàn Cello mang đậm âm hưởng bi hùng và trầm tư.

Chương trình biểu diễn tác phầm lần đầu tiên đã diễn ra không thành công do Elgar và các nghệ sỹ không có đủ thời gian tập luyện. Phải đến những năm của thập kỷ 1960 tác phẩm mới dành được sự đón nhận đông đảo của quần chúng khi bản thu thanh do Jacqueline du Pré thực hiện đã gây được sự ấn tượng cho thính giả và trở thành tác phẩm âm nhạc cổ điển bán chạy nhất.

Tác phẩm gồm bốn chương:
1.Adagio - Moderato
2.Lento - Allegro molto
3.Adagio
4.Allegro - Moderato - Allegro

Tác phẩm mở đầu bằng một đoạn récitatif ngắn của violoncelle (Adagio). Chương đầu thực sự (Moderato) mở ra với một chủ đề hờ hững nhịp 9/8 được trình bày bằng đàn altos và lặp lại bằng bè độc tấu, có hình thức ABA. Chủ đề của phần B nhịp 12/8 được trình bày bằng kèn clarinette, rồi được triển khai ở giọng sol trưởng. Một nét độc đáo ngắn của violoncelle có hiệu quả của đàn ghita bắt vào không gián đoạn với chương hai, một Allegro molto giọng sol trưởng, có hình thức sonate tự do, có tiết tấu chuyển động không ngừng và sự chấm phá của phần phối khí (các đàn dây chia nhỏ, những hợp âm nhẹ ở bộ kèn đồng).

Tiếp theo là một chương Adagio ngắn giọng si giáng trưởng diễn biến như một giai điệu phong phú và dừng lại trên nốt át âm. Chương cuối cùng liên kết trực tiếp. Đoạn dạo nhạc của nó như một kiểu récitatif ở giọng si giáng thứ, gợi lại phần khởi đầu của tác phẩm, đoạn này dẫn vào chương rộng lớn nhất trong bốn chương, một Allegro ma non troppo hình thức rondo tự do trong giọng mi thứ. ý nhạc thứ hai bằng loại gam đi xuống luôn gợi lên sự hài hước. Ngay trước phần kết, một nét nhạc ngắn, chậm nhắc lại câu thứ hai của Adagio, trên đó tác phẩm được kết thúc một cách đột ngột, lần đầu tiên hòa trộn một cách chặt chẽ đàn violoncelle và dàn nhạc.



"Tôi tránh tác phẩm của Elgar vì tôi nghĩ tác phẩm đó có chút gì đó ngây thơ. Nhạc chủ đề bắt đầu từ tiết tấu chậm như kể về mối tình đầu, vì vậy, tôi nghĩ dành cho người trẻ tuổi phù hợp hơn. Học trò tôi, Jacqueline du Pré, chơi tác phẩm này hay hơn tôi nhiều vì tôi không có cách nhìn tươi trẻ mà tác phẩm này đòi hỏi. Sau khi chơi Don Quixote, các concerto của Shostakovich, và các tác phẩm khác, tôi khó có thể trở lại với 1 tác phẩm như tác phẩm của Elgar." (Mstislav Rostropovich)

Jacqueline Mary du Pré (1945-1987) có thể coi là nghệ sĩ xuất chúng nhất mà nước Anh từng sản sinh ra (dù tên cô nghe rất giống một cái tên Pháp).
Năm 15 tuổi cô trở thành nghệ sĩ trẻ nhất đạt giải thưởng của Nữ hoàng. Cô ngày một trở nên nổi tiếng và đến năm 1965, khi mới 20 tuổi, tên tuổi cô đã được biết đến trong toàn giới yêu nhạc cổ điển.
--
Năm 1971, ngay trong thời kỳ đỉnh cao nhất, cô bắt đầu cảm thấy triệu chứng của một chứng bệnh kì lạ. Bác sĩ xác định cô mắc phải chứng đa xơ cứng (multiple sclerosis - một bệnh về hệ thần kinh gây tê liệt dần dần). Cả giới âm nhạc sửng sốt khi nghe tin Jacqueline không thể chơi nhạc nữa. Dù phải gắn mình với xe lăn, Jacqueline vẫn dạy các lớp master class về cello và cầm cự trong suốt 14 năm trước khi qua đời vào năm 42 tuổi.
--
Bất chấp sự nghiệp rực rỡ mà bi thảm, Jacqueline được coi là tượng đài trong các nghệ sĩ cello, sánh ngang với những nghệ sĩ lớn như Pablo Casals và Mstislav Rostropovich.
--
Bản cello concerto của Elgar là bản thu đầu tiên cô thực hiện với dàn nhạc, người chỉ đạo của London Symphony Orchestra thời điểm đó đã thốt lên: “Khi nghe cô ấy chơi, tôi hoàn toàn bị chinh phục! Đẹp và kì diệu đến nỗi tôi không thể thốt lên lời khen ngợi.”
(Nguồn: Nhac cổ điển)