Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Lyphard Melody

Suốt cả ngày hôm nay giai điệu tuyệt vời của bản nhạc luôn văng vẳng như thể ai đó mượn gió gửi tặng tôi. Từng nốt nhạc nhả nhẹ nhàng thánh thót, đâu đó nghe như có lời nhắn thoảng trong gió: "Hãy vui nhé." Vẫn biết ẩn sau những giai điệu du dương đó một nỗi buồn sâu thẳm vậy mà tôi vẫn có cảm giác ngây ngất, lâng lâng. Thật lạ. Một ngày vui. :)

 LYPHARD MELODY
Tác giả: Paul de Senneville và Olivier Toussaint
Thể hiện: Richard Claydermand


(Sưu tầm)
         Lyphard Melody là một khúc hoà tấu dương cầm với giai điệu du dương, buồn u ẩn. Khúc nhạc đã đưa tôi vào thế giới ảo diệu của những bức tranh vẽ về nữ thi hào Sappho của đất nước Hy Lạp cổ đại.

         Quả thật, âm nhạc là một loại ngôn ngữ trừu tượng, vì khi thưởng thức chúng ta thường phải tập trung suy nghĩ bằng sự rung cảm từ bài nhạc truyền sang, để tưởng tượng ra một thế giới vô hình mà chúng ta đang theo đuổi...

Đó là năm 1881...
         Bằng trí tưởng tượng tuyệt vời của mình, danh hoạ Alma-Tadema (họa sĩ gốc Hà Lan, sinh sống tại Anh), hay còn được gọi một cách đáng kính là Sir Lawrence Alma-Tadema đã vẽ nên một bức tranh tuyệt mỹ về nàng Sappho huyền thoại, một mỹ nhân tài sắc vẹn toàn, là nữ thi hào trong số 9 thi hào chuyên sáng tác những áng thơ trữ tình lãng mạn của đất nước Hy Lạp cổ xưa.

 Bức tranh Sappho and Alacaeus của Sir Alma-Tadema
 (năm 1881) Nguồn: wikimedia.org
         Bức họa Sappho and Alcaeus (còn được gọi là The temple of Sappho), là tác phẩm mỹ thuật từ sức tưởng tượng và tài năng hội hoạ của Sir Alma-Tadema. Ông là hoạ sĩ chuyên vẽ cảnh nội thất, đã vẽ lại kiến trúc của ngôi đền tráng lệ, với cấu trúc là những tảng đá hoa cương.
         Tuy đây là bức tranh vẽ, nhưng với nét vẽ "công bút", nên khi ngắm những mảng cẩm thạch hoa văn đường vân xanh được vẽ một cách tinh vi, ta tưởng chừng như đó là bức ảnh chụp. Quang cảnh nội thất trong các bức tranh của ông, thường nổi bật lên trên nền phông (backdrop) là màu bầu trời và biển xanh biếc vùng Địa Trung Hải.
         Alma-Tadema đã mượn tên các nhân vật trong câu chuyện đầy huyền thoại về nàng Sappho, đặt để cho nhân vật trong bức vẽ của mình, bao gồm: người ngồi bên trái là Sappho; bên cạnh nàng là nữ thần mùa xuân. Trước mặt Sappho là vòng nguyệt quế - tặng thưởng của nàng dành cho chàng nhạc sĩ chơi đàn hạc ngồi phía phải trong bức tranh.
         Theo truyền thuyết, vòng nguyệt quế chẳng những là phần thưởng cao quý, mà còn tượng trưng cho đặc ân của Sappho, là lời hứa bất diệt của nàng, cho phép người đàn ông duy nhất - chàng nhạc sĩ Alcaeus (Alma-Tadema đặt tên cho nhân vật là Alcaeus) được ngụ lại ngôi đền cùng bàn luận thơ văn với nàng. Thực tế, Alcaeus là thi sĩ đương thời với Sappho, cũng là nhà thơ - nhạc sĩ trong số 9 thi hào nổi danh của Hy Lạp cổ đại.

 Bức tranh Sappho at Leucate (Tác giả: Antoine-Jean Gros)
Nguồn: lib-art.com
         Sappho được sinh ra và lớn lên ở một đảo thuộc xứ Lesbos, trong một gia đình quý tộc. Tuy nàng đã từng có chồng và sinh hạ được một con gái, nhưng theo truyền thuyết, Sappho là phụ nữ đồng tính luyến ái, sống trên hải đảo trong ngôi đền nguy nga cùng đa số phụ nữ. Vì vậy danh từ lesbian có lẽ do đó mà hình thành - viết từ tên của địa danh Lesbos, xứ sở của nàng.
         Tuy nhiên, sau này nàng vẫn có tình yêu thật sự với một người đàn ông, đó là Phaon, một người lái đò ở Lesbos. Phaon cũng đáp lại tình nàng, nhưng sau thì phụ bạc, có lẽ trong ấn tượng, Phaon vẫn nghĩ nàng là lesbian hay chăng (?).
         Sappho tuyệt vọng và đau khổ, và để chứng minh tình yêu của mình dành cho Phaon, nàng đã tự tử bằng cách ôm đàn nhảy từ vách núi cao xuống biển. Theo lời dân gian truyền lại, nàng đã chọn cái chết để minh chứng rằng, nàng là người đàn bà bình thường, biết yêu thương lãng mạn với một người đàn ông và tình yêu đó nàng dành cho Phaon, một người hoàn toàn khác phái.

         Âm nhạc là tiếng nói phản ánh tâm hồn người nhạc sĩ sáng tác. Tuy nhiên, một bản nhạc hay cần một nhạc công giỏi, mới có thể truyền đạt đến tai khán thính giả một cách thành công, những rung động từ hồn của bài nhạc.
         Nhạc phẩm Lyphard Melody mượt mà, bóng bẩy kia được sáng tác bởi hai nhà soạn nhạc người Pháp cũng là hai nhà sản xuất của công ty Delphine Productions - Paul de Senneville và Olivier Toussaint.

         Hai nhạc sĩ đã đặc biệt đồng sáng tác bản nhạc này dành riêng cho nghệ sĩ dương cầm người Pháp - Richard Clayderman, và họ cũng là người sản xuất của Clayderman trong nhiều năm. Tiếng dương cầm thánh thót, lăn tăn qua đôi bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ trên phím ngà, như tạo nên những âm thanh của tiếng gió vi vu và sóng biển rì rào từ trùng khơi vọng lại.
         Những nốt nhạc đầu của Lyphard Melody được viết và hoà âm bằng những cung bậc ai oán ngay từ khúc dạo đầu, đã khiến tôi như bị thôi miên khi ngắm nhìn những họa phẩm của người xưa vẽ về nàng Sappho xinh đẹp, lãng mạn, đa tình: từ những năm tháng nàng được hạnh phúc vui vẻ nhất cho đến lúc tuyệt vọng nhất chỉ vì một chữ "yêu".
         Người đàn bà thi sĩ mang tên Sappho thời Hy Lạp cổ đại cho tới lúc qua đời vẫn mãi là người đàn bà đầy bí ẩn. Cuộc đời và cái chết của nàng đã tốn biết bao nhiêu giấy mực của nhiều tác giả trong các tác phẩm thi ca và hội hoạ.
         Trong nền văn học Anh quốc, nhân vật Sappho được biết đến trong bài thơ viết về nàng của nhà thơ lãng mạn Lord Byron. Hình ảnh của Sappho được không chỉ được thể hiện thật tuyệt mỹ trong bức tranh The temple of Sappho" của Alma-Tadema.
         Vẻ đẹp não nùng của Sappho trước khi đi vào lòng biển khơi tìm cõi chết, cũng được ghi lại một cách đầy ám ảnh qua 2 bức tranh cùng tên là Sappho của 2 hoạ sĩ người Pháp: Charles August Mengin và Antoine-Jean Gros. Vở nhạc kịch đầu tay của nhạc sĩ Pháp - Charles Gounod viết về nàng và được đặt tên là Sappho. Tác giả Erica Jong của Hoa Kỳ đã viết về Sappho qua cuốn tiểu thuyết có nhan đềSappho"s Leap...vv...

         Và đó là những gì tô điểm thêm cho huyền thoại nàng Sappho trở nên bất tử...
(Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn)

2 nhận xét:

  1. Bản này chính là một liều thuốc ngủ. Cách đây hơn 2 chục năm tôi có một băng casette chương trình của Richard Clayderman thường để nghe trước khi đi ngủ, bài cuối cùng là LYPHARD MELODY, khi nghe đến bài này cũng là lúc chìm vào giấc ngủ nhưng bên tai vẫn văng vẳng giai điệu của LYPHARD MELODY và cũng chẳng kịp..."đưa tôi vào thế giới ảo diệu của những bức tranh vẽ về nữ thi hào Sappho của đất nước Hy Lạp cổ đại" :((

    Trả lờiXóa
  2. Bắt chước...:P

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.