Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Vén màn bí mật nhạc Ðoàn Chuẩn - Từ Linh

         Tên tuổi của Đoàn Chuẩn - Từ Linh từ lâu đã được khẳng định là một trong những “cây đại thụ” của nhạc trữ tình, tiền chiến Việt Nam. Thế nhưng, phía sau những nhạc phẩm của bộ đôi này vẫn còn nhiều ẩn số mà gần đây ít nhiều những bí mật đã dần dần được giải mã, đem đến những bất ngờ thú vị cho công chúng và cả giới nhạc.

Đoàn Chuẩn (bên phải) và Từ Linh năm 1950.

         Xuất hiện từ những năm 40 thế kỷ trước, ngay từ những nhạc phẩm đầu tiên như Ánh trăng mùa thu (1947), Tình nghệ sĩ, Lá thư (1948)..., nhạc Việt đã biết đến bộ đôi tác giả Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nếu Đoàn Chuẩn đã được biết đến là một nghệ sĩ ghi-ta Hawaii và sáng tác nhạc thì Từ Linh vẫn là một nghệ danh xa lạ. Suốt nhiều năm qua, người đoán dò Từ Linh là một bóng hồng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người lại đặt giả thuyết Từ Linh là bút danh khác của Đoàn Chuẩn và có cả những nghi vấn cho rằng Từ Linh có thể là người viết lời cho nhạc phẩm Đoàn Chuẩn? Gần đây, trong các chương trình làm về Đoàn Chuẩn - Từ Linh do chương trình Con đường âm nhạc - VTV3 và chương trình Chân dung - VTV HD1, với những bộc bạch của người thân nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, bí mật về bộ đôi tác giả này đã được hé lộ. 

         Theo nhạc sĩ Đoàn Đính, con trai cả nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì Từ Linh là một người bạn tri âm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Vốn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Từ Linh không trực tiếp tham gia sáng tác nhạc hay viết lời cho ca khúc mà ông chính là “khán thính giả” đầu tiên của những sáng tác của Đoàn Chuẩn. Mỗi lần sáng tác một nhạc phẩm mới, Đoàn Chuẩn đều bộc bạch về ý tưởng, câu thức với Từ Linh và sau đó luôn lắng nghe cảm nhận của người bạn tri âm để chỉnh sửa, hoàn chỉnh tác phẩm. Vì thế, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người trong những nhạc phẩm để tôn vinh, ghi nhận tình bạn tri âm tri kỷ này. Đáng quý là toàn bộ nhạc phẩm mang đậm chất trữ tình, lãng mạn đã đi vào lòng người nghe nhiều thế hệ như: Lá đổ muôn chiều, Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay... đều có tên chung là Đoàn Chuẩn - Từ Linh.


 Nghệ sĩ ghita Hawaii - Đoàn Đính - con
trai nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn

         Là con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, từ bé, nghệ sĩ Đoàn Đính đã được ông cụ thân sinh dạy chơi đàn ghi-ta Hawaii. Năm 2009, với vai trò nghệ sĩ ghi-ta Hawaii, Đoàn Đính đã phối hợp với nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng ra album hòa tấu đầu tiên về nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh mang tên Gửi người em gái miền Nam.  

    

     Album như một lời “đính chính” cho một bài hát của bộ đôi Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Bởi bấy lâu, nhạc Việt vẫn lưu hành một trong những nhạc phẩm nổi tiếng của Đoàn Chuẩn - Từ Linh với cái tên Gửi người em gái nhưng thực ra bài hát này có tiêu đề là Gửi người em gái miền Nam. Nghệ sĩ Đoàn Đính phân tích rằng đa phần sáng tác của ông cụ thân sinh đều được phổ biến trước năm 1975 ở miền Nam nên những ca sĩ này cứ gọi tên là Gửi người em gái. Gọi mãi thành quen, nhạc phẩm thành ra cứ được nhớ với cái tên như thế. Vì thế, khi ấn hành album này, Đoàn Đính quyết định in kèm bản thảo gốc nhạc phẩm này với bút tích của Đoàn Chuẩn sáng tác từ năm 1956 với tên gọi đầy đủ là Gửi người em gái miền Nam.

         Mới đây, lại thêm một lần nữa những nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh được giải mã, đính chính với album Tuấn Hiệp và những tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Xưa nay, khi thể hiện ca khúc Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, hầu hết ca sĩ đều hát: “Mây bay về đâu cuối trời”, thậm chí có nhiều ca sĩ trình bày là “Mây bay về đâu cuốn trời”. Nhưng thực ra, ca từ chuẩn xác của tình khúc này là “Mây bay về đâu cưới trời”. Quả thực, chữ “cưới trời” mới thực sự là lời vàng ý ngọc, rất lạ và lãng mạn của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Liên quan đến câu hát này, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã từng phân tích kỹ lưỡng trong một bài viết được đăng tải trên tạp chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng có thể xem Tuấn Hiệp cũng như album của anh với những tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh là lần đầu tiên một sản phẩm album âm nhạc hát chuẩn xác ca từ này.

 Bản viết tay bài hát "Gửi người con gái miền Nam"
của Đoàn Chuẩn - Từ Linh


         Cũng với album Tuấn Hiệp với những tình khúc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, công chúng yêu nhạc còn bắt gặp một nhạc phẩm khá lạ với nhiều người là Một gói nho khô, một cành păng-xê. Thực tế, trong kho tàng âm nhạc mang tên tác giả Đoàn Chuẩn - Từ Linh chỉ vẻn vẹn chưa đầy 20 bài hát nhưng có những bài đã từng bị xé bỏ, vứt đi. Mãi về sau, gia đình Đoàn Chuẩn mới góp nhặt những bản thảo bị xé bỏ đó, khôi phục nó. Bài hát Một gói nho khô, một cành păng-xê được Đoàn Chuẩn - Từ Linh sáng tác năm 1955, là một trong 4 ca khúc còn giữ lại được từ tập bài ca bị xé của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Khi được biết Tuấn Hiệp có ý định ra album về nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã gửi bản thảo gốc cho Tuấn Hiệp thể hiện. Bài hát do Tuấn Hiệp và Thái Thùy Linh song ca đầy truyền cảm, lạ lẫm và có thể xem như một cuộc “khảo cổ” thành công nhạc phẩm Đoàn Chuẩn - Từ Linh còn nhiều ẩn số thú vị.

         Bên cạnh đó, có một giai đoạn, nhạc của Đoàn Chuẩn bị hạn chế phổ biến. Trong khi bút tích hay cả những tư liệu, file ghi âm, hình ảnh về Đoàn Chuẩn - Từ Linh cũng không lưu giữ được nhiều nên cho đến nay, âm nhạc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh vẫn còn nhiều ẩn số.  Hơn nữa, đa số nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh thường được phát hành trong miền Nam trước năm 1975 nên nhiều nhạc phẩm không chính xác về lời hát hay tựa đề bài hát. Đơn cử như ca khúc Đường về Việt Bắc được phát hành lần đầu ở miền Nam trước 1975 nên được các nghệ sĩ đặt tên là Đường về miền Bắc. Cứ thế, bài hát này lưu hành hàng chục năm với tựa đề Đường về miền Bắc. Đây cũng là một bản nhạc có số phận thú vị bởi nó được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác từ năm 1947 nhưng sau nhiều năm thất lạc, mãi đến năm 2002, tình cờ ca sĩ Nguyễn Ngọc Khôi mới tặng lại cho gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bản nhạc này ấn hành lần đầu năm 1953. Gần đây, bài hát này đã được trả lại tên chính xác của nó do gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn công bố.

         Trong kho tàng sáng tác của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, có không ít nhạc phẩm có nhiều tựa đề khác nhau như: Đường về Việt Bắc hay còn có tên Đường về miền Bắc, Tà áo tím; Cánh hoa duyên kiếp hay Dạ lan hương; Vàng phai mấy lá hay tên khác là Vĩnh biệt... Để lưu hành chính xác tên của những nhạc phẩm này không phải là chuyện dễ dàng với những ca sĩ, nghệ sĩ và cả nhà sản xuất khi làm album hay tổ chức các chương trình ca nhạc có sử dụng sáng tác của Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Điều đáng quý là hiện gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vẫn còn lưu giữ 11 bản nhạc mang bút tích nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Gần đây, nghệ sĩ Đoàn Đính đã dần dần công bố bản nhạc mang bút tích của cha mình. Đó chính là “kim chỉ nam” để những nhạc phẩm của bộ đôi tác giả Đoàn Chuẩn - Từ Linh có thể hiện diện chính danh, đúng tựa đề hay đúng lời hát như khi nó được “khai sinh”.
Bài và ảnh: Quyết Nghệ

Nhạc Sĩ Đoàn Chuẩn - Con Đường Âm Nhạc 

9 nhận xét:

  1. cám ơn bài viết nhiều thông tin thú vị! nhưng mà hông coi được hình?

    Trả lờiXóa
  2. @ g.u.y: Coi được hình rồi đấy em à.

    Trả lờiXóa
  3. Tks! Vô tình lại tạo "công ăn việc làm" cho adm

    Trả lờiXóa
  4. Xin lỗi nếu như đã làm ai đó ko hài lòng. Đơn giản nghĩ vừa đọc vừa nghe sẽ hay hơn.

    Trả lờiXóa
  5. Hôm qua , nhớ lại gợi ý của Bachai , tui đã tìm đc quán cafe của anh Lộc " vàng ".
    Nếu từ đường Văn Cao đi hồ Tây , thì rẽ trái khoảng 500m là tới . Quán trông ra hồ , mặt tiền rộng 10m , 1 tầng , mái lá đơn sơ .
    Gặp anh Lộc , người nhỏ nhắn , có hàng ria nghệ sĩ , thân mật và khá vui chuyện . Anh giới thiệu , tối nay đến có ca nhạc & , nghe nhìn của bên công an tới làm phóng sự !!!.
    Cuộc đời anh , ngoài những điều mà Ba chai đã kể ...còn dài & đau thương lắm . Anh có 2 con , đứa đầu con trai , ở riêng và có cậu con trai 4 tuổi . Cháu nó là 1 cây ghita trong 1 ban nhạc trẻ . Còn cô con gái út , 20 tuổi , cũng đang học ở nhạc viện , bố còn phải nuôi .
    Lúc đầu thấy cơ ngơi này tôi cũng mừng cho anh , gọi anh là triệu phú dola , nhưng anh cười bảo : quán này anh thuê 20 triệu / tháng ....để đc chơi , đc hát ...chi phí chưa đủ cho nó nuôi nó .
    Nghề chính của anh là thầu xây dựng , nhờ trời cho anh sức khỏe nên cũng tạm ổn .
    Quán bài trí đơn sơ , có mấy bức ảnh quí : anh đang châm điếu thuốc cho anh Toán " xồm " - khi ra tù , anh Toán ko nơi nương tựa , sống dặt dẹo ngoài vỉa hè ... đói khát . Bức ảnh này chụp trước đó 1 tuần thì anh Toán ra đi mãi mãi - 1994 .
    Còn 1 bức nữa , anh Lộc cũng đang mồi lửa cho nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - anh nói anh quen biết Ông . Có mấy bức ảnh Văn Cao khá đẹp , nhưng anh nói ko quen nhạc sĩ , mà chỉ chơi với con trai của ông ta ...

    Sơ qua mấy điều để bạn đọc trang thơ đc biết , nếu có điều kiện qua chơi với người nghệ sĩ " khổ vì nhạc tiền chiến " này .

    Trả lờiXóa
  6. @ A HDT: Vậy địa chỉ quán ông có phải là "17A đường Ven Hồ Tây nối tiếp của đường Võng Thị và song song với đường Thụy Khuê gần đầu đường Văn Cao đi vào" không ạ?

    Trả lờiXóa
  7. Bên ngoài có số 17 nhưng nhỏ & mờ , hơn nữa phố này mới nên đánh số lung tung lắm .
    Võng thị tận phía trên , cách 500m , gần nhà anh Nông - he he cả tháng nay ko biết bốt gác của mấy chú c/a di đi đâu rùi .... chắc anh đã bán để trả nợ thay em gái ... một t/y còn " kinh " điển hơn anh Lộc vàng !!!!

    Trả lờiXóa
  8. @hadongtran:
    - Bác đến thăm anh Lộc "vàng" mà ko mang cái máy ảnh chụp mấy pô, rồi phỏng vấn về mối tình của ảnh làm cái phóng sự cho GAN.
    - Ngoài lề: Thưa bác nhà a Nông bây giờ là tài sản thế chấp của NH nên NH tự bảo vệ, mấy cháu công an không phải gác nữa.

    Trả lờiXóa
  9. @ VNQ: Nhờ bài post này hôm nay em được NS saxophone PAD gửi tặng CD "Suối mơ". Can tội hôm trước bỗng nhiên líu lo phô ra tên album "Gửi người em gái MN". :)

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.