Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Я вас любил

Александр Сергеевич Пушкин
Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.

Я вас любил безмолвно, безнадежно,

То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.

Vladimir Atlantov - "Я вас любил" - Ivan Kramskoy's paintings

***
TÔI YÊU EM

Tôi đã yêu em: tình yêu, có lẽ,

Trong lòng tôi chưa tắt hẳn;
Nhưng thôi, hãy để nó chẳng quấy rầy em thêm nữa.
Tôi không muốn làm em phiền muộn bởi bất cứ điều gì.

Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng,

Bị giày vò khi bởi rụt rè, khi bởi nỗi hờn ghen.
Tôi đã yêu em chân thành, dịu dàng đến thế,
Cầu Chúa cho em người được người khác yêu như vậy.
(Bản dịch nghĩa)
***
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
(Bản dịch của Thúy Toàn)



***
Tôi đã yêu em: tình yêu trong tôi
Có thể chưa hoàn toàn tắt ngấm
Thôi, chẳng để nó làm em xao động
Tôi không muốn em buồn bất cứ vì sao.

Tôi đã yêu em âm thầm, không dám ước ao

Mệt mỏi nhiều bởi rụt rè và hờn giận
Tôi đã yêu em thật chân thành đằm thắm
Nên mong rồi em lại được người yêu.
(Bản dịch của Phan Chí Thắng)
***
Yêu nàng một thủa nàng ơi
Tiếng lòng chưa tắt trong tôi - yêu nàng....
Vô duyên, mỏng phận - tôi đành,
Nguyện không làm tội làm tình nàng đâu.

Âm thầm vô vọng bấy lâu,
Rụt rè đã khổ lại đau ghen hờn,
Tôi yêu, êm dịu, tận lòng
Cầu mong nàng được tấm chồng như tôi....

(Bản dịch của Nguyễn Đức Quyết - hiện là truởng khoa Nga trường ĐHSP TPHCM - dịch năm 1977, khi là sinh viên, trong BBT tờ Krulinly, khoa Nga, ĐHSPNN Hà Nội)
***
Tôi đã yêu em tình yêu có lẽ
Mãi vẫn còn chưa tắt trong tim,
Nhưng chẳng muốn em buồn thoáng nhẹ
Mong tình tôi đừng bận mãi lòng em.

Tôi đã yêu em âm thầm tuyệt vọng

Lúc ngượng ngùng khi ghen tức buồn đau
Tôi đã yêu em thiêt tha chân thành và cầu mong hi vọng
Người yêu em cũng thế mai sau.
(Bản dịch của Hoàng Sỹ Bối - giảng viên khoa Nga, ĐHSP TPHCM)
***
Tôi yêu em chẳng thể nào nguôi được
Chôn đáy lòng tình không tắt em ơi
Nhưng không muốn phiền lòng em thêm nữa
Không muốn em buồn vì một chút tình tôi.

Tôi yêu em âm thầm không hy vọng

Luôn giày vò trong nhút nhát, hờn ghen
Tôi yêu em chân thành, trìu mến vậy
Cầu người yêu em như tôi đã yêu em.
(Bản dịch của Quyết Thắng)
***
Yêu em - giờ vẫn đinh ninh
Lòng anh chưa hẳn dứt tình đâu em
Nhưng thoi, trả lại bình yên
Cất cho em gánh ưu phiền nặng vai...

Yêu em vô vọng tháng ngày

Khi hờn ghen, lúc ngất ngây, buồn phiền;
Anh yêu say đắm, dịu êm,
Cầu người em chọn yêu em thực lòng!
(Bản dịch của Tạ Phương)
***
Anh đã yêu em... ngọn lửa tình
Đến nay chưa hẳn tắt trong tim,
Nhưng thôi, chẳng bận lòng em nữa,
Anh gói tình anh vào lặng im!

Anh đã yêu, tuyệt vọng, tái tê,

Day dứt ghen tuông với rụt rè.
Cầu chúa ban em tình yêu mới
Như tình anh trân trọng, say mê.
(Bản dịch của Huyền Anh)
***
Một thời tôi đã yêu em
Lửa yêu có lẽ trong tim còn nồng,
Nhưng không muốn bận lòng em nữa
Để hồn em gợn khổ, sầu vương.

Tôi yêu vô vọng, âm thầm

Khi run nỗi sợ, khi bừng lửa ghen,
Chân thành tha thiết yêu em,
Cầu cho em đẹp tình duyên với người.
(Bản dịch của Thùy Chi - Đặng Hiền)
***
Có lẽ đến giờ tôi vẫn yêu em đấy
Một mối tình đâu dễ chóng nhạt phai
Nhưng tôi thấy hình như em không thích
Buồn bực, đôi khi cáu giận lộ ra ngoài.

Tôi giữ mãi cho mình niềm vô vọng

Có gì đâu mà đi ghen với người đời
Nhưng tôi chắc là tôi yêu em nhất
Em tìm đâu được người say đắm như tôi!
(Bản dịch của Hoàng Đình Quang)
***
Ngọn lửa tình từ thuở trót yêu Em
Dường còn cháy trong tim anh chưa tắt
Chỉ muốn giữ cho hồn Em trong vắt
Anh lặng chôn tình riêng ấy trong lòng.

Từng yêu Em trong vô vọng, âm thầm

Từng giằng xé bởi ghen tuông, ngần ngại
Từng yêu Em bao chân thành, êm ái
Ước được người yêu Em sánh tình anh.
(Bản dịch  của Phạm Bá Chiểu)
***
Tôi yêu em, tình yêu, có lẽ
Mãi ở trong lòng, chẳng chút tàn phai
Nhưng không để vấn vương em mãi
Cho lòng em khỏi phiền muộn, u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng

Day dứt hoài bởi nhút nhát, hờn ghen
Tôi yêu em chân thành, dịu dàng hơn hết thảy
Cầu cho em được yêu như tôi đã yêu em.
(Bản dịch đăng bởi Võ Quang Diệm)

(Sưu tầm: Nguồn TÔI YÊU EM - Thơ Tình Puskin
PS: Hôm nay HT có cuộc hẹn gặp với cô bạn thân nhất trên đời. Ngồi trong tiệm cafe tán gẫu, nàng đọc cho nghe lại bài thơ này. Về tìm lại bài thơ gốc mới thấy rằng có rất nhiều bản dịch khác nhau. Mặc dù bản dịch của Thúy Toàn rất hay nhưng có lẽ vẫn chưa thỏa mãn những người yêu thơ Puskin. Đăng lên chia sẻ với mọi người. 

39 nhận xét:

  1. cảm ơn bạn 1 nghin lần và nhìu hơn thế, nhưng có ai trồng cây si nào đâu, toàn ảo vọng mơ mộng ấy mà... mình sợ sự thật hay phũ phàng ,cậu ah...I like thís poem, and u ???

    Trả lờiXóa
  2. Tớ phải cảm ơn cậu mới đúng vì cậu đã nhắc lại một bài thơ mà tớ lâu lắm chưa được nghe, thậm chí còn quên mất nó đã từng được yêu thích như thế nào. Sao lại không có ai trông cây si nhỉ? Cậu có biết là hôm qua lúc ngồi trong quán, tớ toàn ngắm cậu không. Lúc đó cậu đáng yêu lắm. Lâu lắm rồi tớ mới lại thấy cậu được thoải mái như thế. Sẽ cứ như thế nhé, bạn yêu. À, mà từ giờ tớ không cho cậu coi "cọp" bài và nghe "cọp" nhạc nữa đâu. Cậu nhất định phải để lại "bút tích" mỗi khi vào đây đấy nhé. :)

    Trả lờiXóa
  3. Mình còn nhớ gần chục ông bạn thời sinh viên - có lẽ cả đời chẳng thèm nhớ bài thơ nào ....
    Thế nhưng trong nỗi xót xa khi mối tình đầu tan vỡ vẫn cứ lẩm bẩm " cầu em được người tình như tôi đã yêu em " !.

    Có lẽ đây là câu thơ " đắt " nhất trong bài....nói hộ 1 cách thần tình nỗi lòng của biết bao chàng trai đã từng YÊU ....và ôm hận 1 cách OAI HÙNG !

    Còn 1 dấu hỏi nữa , là trong trường hợp đặc biệt nào mà HT lại nhớ đến món đồ cổ này nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  4. @ A HDT: Em có "nỗi xót xa" nào đâu mà nhớ được ra bài thơ đó. Đấy là do cô bạn hangle đọc cho em nghe khi cô ấy kể đã dùng bài thơ đó để khuyên giải một người nên "ôm hận 1 cách OAI HÙNG". À, anh chưa có ý kiến về các bản dịch đấy nhé. Em đăng các bản dịch khác nhau để tham khảo ý kiến mọi người.
    @ hangle: Tớ nói vậy đã đúng chưa nhỉ? :)

    Trả lờiXóa
  5. HT : Cô định xui dại anh đấy à ?.Bình chơi chơi để " lấy không khí " thì được chứ nói chuyện nghiêm túc e chừng...gay lém !
    Hãy vào chungta.com/thơ mà nghe Ngô Tự Lập phê bản dịch của Thúy Toàn .Phải am hiểu ghê gớm lắm mới dám mon men đến lãnh vực này !.
    Ngoài ra ở đó còn nhiều cái hay nữa .

    Trả lờiXóa
  6. Xin giới thiệu một sô ý kiến về bài thơ này tại đây.
    Trong đó có một bản dịch (tác giả Phạm Bá Chiểu?) cũng khá hay :

    “THƯỞ YÊU EM
    Có một thời anh đã trót yêu em/ Dường lửa tình yêu trong tim chưa tắt/
    Chỉ muốn giữ cho hồn em trong vắt/ Anh lặng chôn tình riêng ấy trong lòng/
    Cô đơn nỗi buồn, vô vọng niềm mong/ Nghiệt ngã ghen tuông từng vắt anh kiệt sức/
    Tình đằm thắm, tình chân thành day dứt/
    Cầu chúa cho em người tình yêu em chính tình anh”

    (nếu chỉnh lại mấy chữ thì bản dịch này khá đạt)

    Rõ đây là tâm trạng của tình yêu một phía-loại tình yêu 'câm nín', ko nói ra được nỗi lòng với người mình yêu: âm thầm,chịu đựng và đành để nó hành hạ âm ỷ...và chỉ mong nó tắt dần. Mà nào nó có chịu 'lịm' đi cho đâu.Cuối cùng đỉnh cao 'bi kịch' và cũng là ánh sáng 'thuần khiết' của tình yêu 'thất vọng' ấy cũng loé sáng 'quật khởi' lên được khi 'hạ' câu cuối 'Cầu trời cho Nàng gặp được người yêu Nàng như tôi yêu'!? Thật là hết chỗ nói!

    Vấn đề là ở chỗ : 'Mặt Trời của nền Thi Ca Nga'-Puskin,mỗi khi ộng xuất hiện nơi yến tiệc Cung đình,là lập tức các bà các cô quí tộc tíu tít vây quanh...ông có để ý tiếp chuyện với ai là người đó vô cùng hãnh diện, vậy mà sao trong bài thơ này lại...khốn khổ quá dzậy?
    Cứ theo 'thần thái' của bài thơ thì rõ là là ông yêu lắm,ông tự tin lắm...nhưng ông ko dám nói ra tình yêu ấy với Nàng,và cũng bởi vì thế mà ông bị dằn vặt,bị 'nó' hành.
    vì sao ?
    Vì ông biết chắc Nàng sẽ từ chối tình yêu này của ông? Lời tỏ tình của ông bất quá chỉ làm Nàng cho bối rối,khó xử mà thôi.
    Ko biết võ đoán như vậy có phải ko?
    Ấy là tôi muốn nói đến 'tình huống' và 'bối cảnh' của bài thơ, rất mong được nghe ý kiến của các Đại Sư 7T,3CH,QT,TP,Thầy Cả HDT và cácĐại Muội HT,hangle_1960...cùng các bạn ?

    Trả lờiXóa
  7. Iem thì chả giám bình thơ Pushkin.
    Thêm món đồ cổ này ra nữa hầu các pác. Đây cũng là bài của Pushkin mà iem bị cô giáo Елена Эдуардовна Кудельская bắt học thuộc lòng 40 năm trước đây, nay đã kịp xóa gần sạch khỏi bộ nhớ. Phải đi hỏi bác Guk mới lấy lại được.
    Tiếng Nga hay thiệt. Yêu nhau rồi mà lúc thì ты lúc thì Вы...

    K***

    Я помню чудное мгновенье:
    Передо мной явилась ты,
    Как мимолетное виденье,
    Как гений чистой красоты.

    В томленьях грусти безнадежной
    В тревогах шумной суеты,
    Звучал мне долго голос нежный
    И снились милые черты.

    Шли годы. Бурь порыв мятежный
    Рассеял прежние мечты,
    И я забыл твой голос нежный,
    Твои небесные черты.

    В глуши, во мраке заточенья
    Тянулись тихо дни мои
    Без божества, без вдохновенья,
    Без слез, без жизни, без любви.

    Душе настало пробужденье:
    И вот опять явилась ты,
    Как мимолетное виденье,
    Как гений чистой красоты.

    И сердце бьется в упоенье,
    И для него воскресли вновь
    И божество, и вдохновенье,
    И жизнь, и слезы, и любовь.

    1825

    Trả lờiXóa
  8. Hưởng ứng còm của anh Bachai:

    Gửi...

    Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu
    Trước mắt anh em bỗng hiện lên,
    Như hư ảnh mong manh vụt biến,
    Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.

    Giữa day dứt sầu đau tuyệt vọng,
    Giữa ồn ào xáo động buồn lo
    Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng,
    Bóng dáng em anh gặp lại trong mơ.

    Tháng ngày qua. Những cơn gió bụi
    Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ,
    Lãng quên rồi giọng em hiền dịu,
    Nhoà tan rồi bóng dáng nguy nga.

    Giữa cô quạnh âm u tù hãm
    Dòng đời trôi quằn quại hắt hiu,
    Chẳng tiên thần, chẳng nguồn cảm xúc,
    Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu.

    Cả hồn anh bỗng bừng tỉnh giấc
    Trước mắt anh em lại hiện lên,
    Như hư ảnh mong manh vụt biến,
    Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.

    Trái tim lại rộn ràng náo nức
    Và trái tim sống dậy đủ điều
    Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
    Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.
    (Nguồn: Thơ tình Pushkin"

    Trả lờiXóa
  9. Rất tiếc ngôn ngữ Nga mình biết có vài từ học mót, đại loại như "Đôm" là nhà,"pa ci pơ" là cám ơn, thậm chí chưa đủ chữ để xin cơm. Cho nên để bàn luận về thơ Putskin mà khiếm khuyết về ngôn ngữ là điều bất cập, tuy nhiên để hưởng ứng cùng các bạn, xin mạo muội đưa ra vài nhận xét cá nhân về nhà thơ lớn của nước Nga Puskin và bài thơ “ Tôi yêu em” của ông.
    Nói chung, bài thơ này của ông đã được công nhận rộng rãi, và nó cũng tiêu biểu cho dòng thơ lãng mạn cuối thế kỉ 19 trong văn hóa Nga. Tuy không thể sánh được với những tác phẩm thơ dài hơi của ông như “Yevgeny Onegin” hay “Ruslan và Ludmila” v..v.. nhưng chắc chắn là nó có chỗ đứng vững chắc trong nền văn học Nga, vì vậy bài thơ cũng được bạn yêu thơ Việt nam, nhất là những người đã từng du học, hay đơn giản chỉ là những người biết tiếng Nga , những người được đọc bài thơ trong nguyên bản hết sức yêu thích. Cũng một phần do lịch sử đã đưa hai dân tộc lại gần nhau nên dễ hiểu là thơ của thi hào Nga Puskin được phổ biến sâu rộng trong quảng đại quần chúng Việt nam, do đó nảy sinh nhu cầu dịch và giới thiệu thơ của ông, mà bài “ Tôi yêu em” là một ví dụ.
    Việc dịch một bài thơ sang ngôn ngữ khác là hết sức khó khăn, nhất lại là thơ của một thiên tài, ý tứ, câu chữ, vần điệu làm sao chuyển tải hết cho đúng nguyên bản là việc không tưởng. Vì vậy trong khi đọc thơ dịch hãy đọc nguyên bản, và nhất là tìm hiểu xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, đối tượng của lời thơ .v..v thì ta mới có thể thưởng thức được lời hay ý đẹp mà tác giả đã cất công suy tư để mang lại cho người đọc. Trong bài thơ này, nếu hiểu biết về Puskin còn thiếu sót thì không thể lĩnh hội được tâm tư tình cảm và ngôn từ của ông, ví dụ như bài thơ này, rõ ràng là một bài thơ tình được gửi cho một người phụ nữ để bày tỏ tình cảm yêu mến của ông với cô ta, tình yêu này hình như không được chính đáng lắm - tôi dùng từ hơi nặng - nhưng có một điều gì đó làm cho Puskin không được tự do công khai mối tình ấy ra. Và chính điều đó làm cho ông khắc khoải.
    Ta biết ông là một thi nhân vĩ đại, hiển nhiên là rất nhiều bóng hồng vây quanh. Vợ ông cũng là một người đẹp được nhiều trang phong lưu mã hiệp hâm mộ, và theo như thuyết chính thống thì một trong số họ đã gây nên cái chết nhiều tranh cãi của ông, vậy thì ai sẽ là người đủ sức mạnh để cự tuyệt tình yêu của Puskin? Không có ai cả. Mà chắc chắn là một mối tình éo le nào đó, rất khó để thành tựu, vì vậy nên ông đã phải thốt lên:..” Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng”
    (mỏi tay, tạm dừng đã nhé! :))

    Trả lờiXóa
  10. Thật tuyệt vời khi THIÊN TÀI cũng phải chịu " bất lực " trước TUỔI TRẺ và NHAN SẮC - bởi vậy mà nhân loại mới được hưởng thụ những kiệt tác hoành tráng nhất của mọi loại hình nghệ thuật ....
    Rất đáng tiếc là tôi chưa tìm đc 1 chỉ dẫn nào cho hoàn cảnh ra đời của bài thơ , nên có lẽ mọi điều chỉ là dự đoán .
    Mặc dù "...âm thầm không hy vọng " nhưng có lẽ tôi ko thống nhất như TL : ở đây là mối tình " câm " ( tất nhiên là 1 phía ).Bằng cách nào đó ko rõ ( qua thư , thơ hay.... ) , nhưng Ông đã từng nói - lời - quyết - định - với Nàng , và có lẽ đã bị tư chối .
    Lòng kiêu hãnh bị tổn thương , quá hiểu đời và quá yêu ( ko làm em bận lòng thêm nữa ) nên nhà thơ biết rằng cần phải kết thúc " chiến dịch "...và tiếng lòng được cất lên như tiếng kêu cuối cùng của con thiên nga : kiêu hãnh và tha thiết vô cùng ! Chính bởi vậy mà nó lay động cả triệu con tim ....đến muôn đời !.
    QT : Không nhớ mình đọc ở đâu , Puskin yêu cô em gái vợ và đc đáp lại .Khi Dantes gian díu với vợ , Ông cho qua , đến khi chạm tới cô em thì ông ko chịu nổi và thách đấu !

    Trả lờiXóa
  11. Em cũng thấy cách lý giải của anh HDT có lý hơn.

    Trả lờiXóa
  12. Tôi xin tiếp tục cách nhìn của mình. Ở đây, bất cứ một vấn đề nào liên quan đến một thi hào lớn như Puskin đều phải có những dẫn chứng, hoặc những lập luận vững chãi mới mong được những người quan tâm công nhận. Khi chúng ta đặt ra vấn đề như Hà Đông nói thì không thể nói rằng nghe ai nói và cho rằng đó là sự thật mà không có phản biện, hoặc tìm ra những chứng cứ thuyết phục để chứng minh. Vậy chúng ta hãy nhắc lại cái mệnh đề : " Puskin yêu cô em vợ..” mà HĐ đã có lần nghe nói. Nếu chúng ta phân tích tìm ra đúng sai của vấn đề này thì sẽ góp phần làm sáng tỏ xuất xứ bài thơ, cũng như bài thơ viết cho ai, và vì sao đại thi hào đã quyết tìm đến cái chết mặc dù tình huống không đến nỗi bi thảm đến như vậy.
    Vấn đề sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau, như trên tôi đã nói, con người Puskin là ai? Chúng ta đều biết trong huyết quản của ông hừng hực chảy một nửa dòng máu Phi châu huyền thoại, hoang dã và mê say. Vẻ bề ngoài của ông không có ưu thế so với những người đàn ông Xlavơ tóc vàng, khoác va rơi sỹ quan Sa hoàng gắn đầy kim tuyến buông hờ hững trên vai một cách kiêu sa, tóc xoăn và da không sáng, và ông ý thức được điều đó.
    Bù lại cho những khiếm khuyết ( hay chính là thế mạnh) đó là một tài năng thiên phú, ta biết rằng thời điểm đó châu Âu đang ở vào thời kỳ cuối của phong trào Phục hưng, những phát kiến lớn, những định luật, những thành tựu khoa học vĩ đại của loài người được hình thành chính vào thời điểm này. Dòng thơ lãng mạn cũng ra đời và làm mưa làm gió trong các triều đình châu Âu, từ Madrid đến Moscu thì việc Puskin nổi lên như một ngôi sao sáng trên thi đàn với những vần thơ ca ngợi tình yêu lãng mạn là điều tất yếu.
    Hệ lụy tiếp theo chính là tài năng và sự nổi tiếng của ông đã làm say mê không biết bao nhiêu những trái tim thiếu nữ, những con tim luôn tìm cớ loạn nhịp của các mệnh phụ phu nhân, hay tóm lại ông được rất nhiều hay có thể nói là gần như tất cả phụ nữ mến mộ, ít ai có thể từ chối tình yêu của ông vì, cũng có thể họ cảm động vì những vần thơ có cánh, mà cũng có thể chỉ vì cũng say mê cho nó sành điệu, dù gì thì ta cũng có thể khẳng định được rằng, tìm đến với một tình yêu không có gì khó khăn lắm với ông.
    Vậy thì vì sao thi hào phải thốt lên
    “..Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng
    Bị giày vò khi bởi rụt rè, khi bởi hờn ghen"
    Hẳn phải có gì ngang trái lắm chứ, tại sao ông phải yêu nàng một cách lặng thầm mà không thể công khai?
    Có phải ông yêu một bà mệnh phụ ở ngôi cao như hoàng hậu chăng? Không phải.
    Hay ông dở chứng đi yêu vợ một Muzic? Chắc cũng không phải.
    Vậy thì chỉ có thể là một ai đó, mà nếu công khai ông sẽ bị chê cười là không đạo đức, hoặc trái với luân thường đạo lý chăng?
    Vậy có phải là cô em vợ không? Xin mời các bậc sỹ phu Bắc Hà và Hải ngoại suy xét! :))

    Trả lờiXóa
  13. Trời. K ngờ bài Tôi yêu em của Puskin lại có nhiều bản dịch như thế ^^

    Em không hay đọc thơ lắm, nhưng hồi cấp 3 học và rất ấn tượng bài nì.

    Trả lờiXóa
  14. Tôi đọc nhận xét của các bạn và có cảm giác rằng anh TQtrung đang cố gắng hướng người đọc đến thuyết "cô em vợ" mà anh Hà Đông đã mau mắn nói đến. Thực ra tôi cũng không có gì phản đối nhưng có vài điều cần được làm rõ. Cần phải hiểu rằng thuyết "cô em vợ" chỉ tồn tại như một nghi vấn không được các nhà nghiên cứu về Puskin để tâm được bao nhiêu, người đời sau thâu tóm vài dữ liệu để đưa ra khả năng này. Có một nhà nghiên cứu đã nói thế này:
    "..Khó mà nói bài Tôi yêu em gắn với mối tình nào của nhà thơ. Người đẹp phàm tục Anna Pêtơrôpna Kern (1800-1879) thoắt trở thành “thiên thần sắc đẹp trắng trong” trong bài thơ tình nổi tiếng thế giới Gửi K. (1826). Tình yêu đơn phương của Puskin đối với thiếu phụ chết yểu Amalia Ritnhích (1803-1825) thăng hoa thành những vần thơ tình say đắm trong bài Dưới bầu trời xanh quê hương (1826), Em từ giã dải bờ đất khách (1830, Thúy Toàn dịch) và Tha thứ cho anh chăng những mộng tưởng ghen tuông (1823) với hai câu kết:
    Em đâu biết anh yêu em mãnh liệt
    Em đâu biết anh khổ đau khôn xiết... "
    Qua đó thì ta được biết một thông tin rằng, rất nhiều những khả năng để một phụ nữ biến thành nàng thơ của ông.
    Điều thứ hai tôi muốn nói là nhận định:
    ..."Hệ lụy tiếp theo chính là tài năng và sự nổi tiếng của ông đã làm say mê không biết bao nhiêu những trái tim thiếu nữ, những con tim luôn tìm cớ loạn nhịp của các mệnh phụ phu nhân, hay tóm lại ông được rất nhiều hay có thể nói là gần như tất cả phụ nữ mến mộ, ít ai có thể từ chối tình yêu của ông.."
    Điều đó không hẳn đúng, bởi vì như chúng ta biết, những người phụ nữ Nga có rất nhiều ví dụ về sự đoan trang, không kém gì phụ nữ Việt, chắc gì họ đã sẵn lòng từ bỏ hạnh phúc thực để chạy theo tiếng gọi của tiếng thơ lãng mạn, có phải ai cũng thích thơ đâu, bà xã "người Việt" của tôi chẳng hạn, khi mới quen nhau, thấy đầu giường nàng nằm trang trọng một cuốn "Truyện Kiều" dày cộp, tôi đã hý hửng về một người tình yêu thơ ca đến vậy, hóa ra cuối cùng, nàng dùng để bói Kiều, chuyên trị dở đoạn cuối có "tái hồi Kim Trọng" để tìm mong một cái kết có hậu, khi dở được trang "chàng Sở quất ngựa truy phong" thì ấm ức đến mấy chục năm sau vẫn lo có hồi bị ngửi bụi vó ngựa :))
    Nói thế để bênh vực cho chị em phụ nữ Nga, Việt, họ có rất nhiều những bậc mệnh phụ đoan chính mà chính ngay Puskin cũng phải công nhận như trong truyện " Người con gái viên đại úy" của ông, chắc các bạn đã đọc cả rồi, cô gái đã không khuất phục bạo quyền, dám gặp cả Nữ hoàng để cầu xin cho người yêu thoát khỏi tội chết, dĩ nhiên là còn nhiều dẫn chứng nữa. Cô Natasa trong Chiến tranh và hòa bình không đoan chính à? (theo kiểu của phương Tây)
    Cho nên, chưa thể kết luận vội vàng, và nên để vấn đề mở thì dễ nói chuyện hơn chăng ?
    Bảy Tàng

    Trả lờiXóa
  15. He he , anh Bảy!
    Nhà Goncharova có 3 chị em , cô chị Ecaterina lấy Đantes , cô thứ 2 xinh đẹp nhưng nông cạn và phù phiếm Natalya lấy Puskin còn cô thứ 3 không xinh đẹp lắm nhưng cực kì thông minh và yêu thi ca : Alecxandrine .
    Vì cô 3 và Puskin đã yêu nhau và sống bí mật với nhau 1 thời gian ko lâu sau khi P cưới Natalya nên rõ ràng Alecxandrine ko thể là đối tượng của bài thơ .

    Câu chuyện 3 chị em này chỉ là 1 " nghi vấn thú vị " về nguyên nhân cuộc đấu súng dẫn tới cái chết của Nhà thơ thôi !

    Trả lờiXóa
  16. Thực ra em chỉ đồng ý với ý kiến của a HDT ở chỗ đây không phải là mối tình "câm". Em cũng cho rằng Puskin đã "ngỏ ý" nhưng bị nàng cự tuyệt. Em không nghĩ người phụ nữ trong bài thơ này là Alecxandrine vì giữa 2 người đã có mối quan hệ khăng khít. Trong bài thơ Puskin dùng đại từ вы, chứ không phải là mы, đủ để biết ông vẫn chưa hề "có" được người ấy, và em cho rằng đây là mối tình đơn phương.

    Trả lờiXóa
  17. @'AE nhà bác HDT ':

    "Em cũng cho rằng Puskin đã "ngỏ ý" nhưng bị nàng cự tuyệt"

    Xin hỏi :
    Một người có tâm hồn cao thượng, kiêu hãnh,hào hoa và tự trọng như P,khi đã 'bị' người đẹp 'cự tuyệt'- tức là việc này 'đã rõ', liệu còn có tâm tư 'muốn' 'khơi lại', nhưng thôi vì sợ em lại 'khổ' được ko ạ?
    Vì trong tình thế như thế khó thể nào khác là 'dằng dai','vấn vương' kiểu tình cảm ủy mị 'tiểu thị dân'?
    Vậy nên,hình như xét về mặt 'tâm lý tính cách' thì có gì đó trai trái? :)
    Sau khi nhận được lời 'cự tuyệt', có thể Ông vẫn trân trọng nâng niu kỷ niệm ấy và bài thơ sẽ được viết ra theo cách khác,dùng các thì động từ khác, ko thể như nó hiện hữu.

    Bài thơ,theo tôi hiểu: P 'đã' yêu nàng hơn 'cả một tình yêu'.
    (chính xác của ý thơ là 'đã' yêu đến tận cùng một tình yêu 'mà nó có thể có' ' - cách dùng ':',cặp chữ ghép và thì động từ quá khứ,hiện tại ở câu đầu thể hiện điều đó:
    "Я вас любил: любовь еще, быть может,".
    Trong các bản dịch,chỉ có bản của Thúy Toàn,ý này của câu đầu có nhấn được một chút)
    Song - vì một lý do nào đó, P đã ko để tình yêu của ô cháy sáng trước nàng,ô kìm lại để nó lụi tàn, mặc dù ô vẫn 'tự tin' biết chắc rằng:ngay bây giờ khi viết bài thơ,nếu ô thổi bùng lên ngọn lửa yêu đương thì nàng cũng vẫn sẽ... 'khốn đốn,ko yên'...
    "Но пусть она вас больше не тревожит;
    Я не хочу печалить вас ничем. "

    Trong 2 câu 3,4, P dùng động từ thì hiện tại,là có ý như thế.

    Nếu P đã từng bị 'cự tuyệt'thẳng thừng,liệu trong lòng còn dám cảm hứng để thể hiện ra vậy ko đây,hở chời? Họa chăng có là tâm hồn 'cầm tinh cái thớt'? :)

    Vậy cái gì đã ngăn cản ô 'rằng yêu thì nói là yêu,ko yêu thì nói một điều cho xong'?
    Lý do trực tiếp có lẽ là P thấy 'chuyện này ko xong'được,nếu ô tỏ tình rõ ràng với nàng chắc chắn cũng chẳng mang lại kết quả gì-ngoài khổ đau cho cả hai và tất cả sẽ là dấu chấm hết! Thà rằng cứ để ô âm thầm day dứt như thế còn có vị đắng-ngọt mà nhâm nhi.
    Cái nguyên nhân dẫn tới lý do tình yêu của P buộc lòng phải 'dừng bước' chắc 'ghê gớm' lắm?
    Hoàn cảnh đạo đức ư? chưa hẳn,vì như HDT đã dẫn,'mía ngon đánh cả cụm' ô làm được kia mà? nàng ấy là mệnh phụ trong một gia đình Đại Quí tộc Hoàng thân quốc thích? Ko phải thế,vì nàng vẫn còn chưa 'cùng ai' (chẳng thế mà ở câu cuối cùng P còn cầu cho em gặp được người yêu như ô)! vv...và vv...

    Nhưng một điều là chắc : ô cực kỳ trân trọng người ấy.Ngay trong thơ P luôn dùng đại từ 'вы' biến cách (trong tiếng Nga dùng ngôi 2 số nhiều lại ở thể biến cách -ko trực tiếp,là cực kỳ tôn trọng và lịch duyệt,cũng như khi đặt một câu hỏi lịch sự thì người ta thường dùng cấu trúc phủ định-gián tiếp.
    Dùng 'mы',cũng chưa chắc là bỗ bã,mà tùy theo ngữ cảnh.Ví dụ trong bài "K...",3CH đã dẫn ở com P dùng 'mы' nhưng vẫn rất chi là trân trọng,chẳng có gì là ô đã " "có" được người ấy".:)) ).

    Vậy 'nàng' là ai?

    'Thày bói xem voi' tôi,xin phép nghỉ giải lao uống nước cái đã,mỏi mồm quá rùi.

    Trả lờiXóa
  18. Cái chú Bảy này chỉ được cái mạnh mồm. Ai bảo chú là tôi đang hướng mọi người về "Cô em vợ"? hè hè, tôi đang đưa ra các dữ kiện để xem xét đối tượng của một bài thơ lãng mạn như vậy có thể là ai đấy chứ!
    Vậy theo BT, có thể là ai được nhỉ?

    Trả lờiXóa
  19. Bài thơ này , tất nhiên P gửi cho người yêu trong mộng . Tuy nhiên theo suy đoán của tôi , điều quan trọng ko kém là để ông nói với chính lòng mình .
    Lúc này đây , những bão tố trong lòng đã dịu bớt phần nào - lí trí trong ông đã lên tiếng và hình như chiếm thế thượng phong . Chả thế mà ông cho biết " tình yêu ( đã tắt dần nhưng ) chưa tắt hẳn ". Ông muốn nói với em lần cuối...rồi để gió cuốn đi !.
    Ta có thể hình dung rằng sau khi bị khước từ ( một cách lịch sự ?)...bị tổn thương , choáng váng...ông đã cố gắng tránh gặp lại nàng...một thời gian sau lấy lại cân bằng , ông viết bài thơ này trong 1 tâm thế hoàn toàn tỉnh táo ( tất nhiên vẫn xúc động dạt dào thì nó mới hay đến thế ).
    Như vậy thì tại sao lại có chuyện " cái thớt " ở đây nhỉ ?.Một sự giã từ hào hoa đấy chứ ???.
    Một vấn đề ở đây là : liệu chàng đã " dám ngỏ cùng nàng " chưa ?.TL bảo chưa - t/y câm nín .
    Nếu toàn bộ cảm xúc của mình , chàng chỉ cầm giữ trong lòng thì nàng hoàn toàn vô tư ko hề hay biết - tức chưa hề bị phiền lòng 1 chút nào cả . Vậy câu " ko để E phiền lòng THÊM NỮA " LÀ VÔ NGHĨA hay sao ?.Chàng đã chót nói lời yêu rồi , chót làm phiền rồi , bây giờ , qua bài thơ là lời giã từ và biết đâu lại chẳng phải lời xin lỗi nữa !.
    Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng : mối tình " câm " làm ta đau đớn 1 thì khi nói ra mà bị khước từ sẽ làm ta đau đớn gấp 10 - vì ngoài chuyện " mất em thật rồi " ta còn bị hành hạ khôn nguôi do niềm kiêu hãnh bị tổn thương ....và tôi " chẩn " cho P rơi vào tình huống này nên Ô mới đau vật vã đến vậy .
    Câu thơ cuối " cầu E được người tình như tôi đã yêu E " - được bình là câu hay nhất .Nhưng đó mới chỉ là nghĩa đen .Theo phân tích của các thợ ngữ pháp thì còn 1 nghĩa bóng nữa : có cầu trời ( cách mấy ) thì E ( CŨNG CHẲNG BAO GIỜ ) tìm được người ( yêu mình ) như tôi đã từng yêu E .Phải chăng đây là sự hờn dỗi pha chút thách thức , cay cú có tính AQ của nhà thơ ?..., bởi vậy " có cái gì thuộc về CON NGƯỜI mà lại xa lạ với Ông đâu , dù Ông là 1 thiên tài !"

    Trả lờiXóa
  20. Phân tích của a TL cũng có lý tuy nhiên em vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Cũng như a HDT, em cảm nhận được vị "dỗi" rất rõ ở câu cuối, có vẻ như là "Liệu em có thể tìm được ai yêu em hơn tôi không?", nhưng em không cho rằng bài thơ này là "một lời giã từ" hay "một lời xin lỗi". Em "gặm nhấm" dư vị "dỗi" xuyên suốt bài thơ. Puskin muốn để người phụ nữ ấy biết được TY của mình đối với người ấy mãnh liệt đến chừng nào và việc không muốn làm "em bận lòng thêm chút nữa" hay "gợn sóng u hoài". chẳng qua cũng chỉ là vì "dỗi" mà thôi. Một người đào hoa như ông mà lại bị khước từ một cách lịch sự chẳng phải là một điều "cay cú" sao. Em có cảm giác bài thơ này như một "lời ngỏ", một cách "tỏ tình" rất tinh tế của ông. Ông không hề muốn giã từ mà ông chỉ "giả cách" như vậy để xem thái độ của đối phương thế nào thôi. Chắc bởi vậy nên bản dịch của Thúy Toàn dù hay vẫn chưa làm thỏa mãn người yêu thơ Puskin. Việc em đăng lại bài thơ kèm theo những bản dịch khác nhau không ngoài ý đó.

    Trả lờiXóa
  21. Chà...chà...
    @'AE nhà bác HDT':
    ý kiến của HDT rất thuyết phục tui về mặt...'bút pháp' văn chương!:)

    Giờ hỏi một câu nè:
    P 'nhận định' về 'tác động' TY của ô đối với nàng (ở câu 3,4) có đúng với thực tế ko? Và qua đó suy ra 'nàng' có cảm nhận được TY của P dành cho ko? hoặc hơn nữa sâu kín trong lòng nàng có yêu P ko?

    Trả lờiXóa
  22. HT : Bây giờ anh mới biết phụ nữ cảm thụ thơ ( nhất là thơ tình ) khác giới mày râu như thế nào .
    " DỖI " ư? cũng có , nhưng chỉ 1 chút xíu thui ....chứ " xuyên suốt toàn bài " thì quả thật có mơ anh cũng không dám nghĩ tới . Lại còn " lời ngỏ - tỏ tình ( lần 2 ?) " nữa chứ - thì quả thật là hết biết !!!

    Tất nhiên đều là "...xem voi " cả thôi nên mọi cánh cửa đều bỏ ngỏ , làm gì có tiếng nói cuối cùng !...

    ...Còn nhà thơ của chúng ta ư ? - phải chăng sẽ lại như câu chuyện xưa : trao tặng nàng bài thơ xong ,lặng lẽ nhìn thật sâu vào đôi mắt và gương mặt thân yêu ấy...hít 1 hơi tròn căng lồng ngực...chàng tung người lên con tuấn mã...cả người lẫn ngựa chìm dần vào màn đêm thanh vắng....chỉ còn vẳng lại theo tiếng gió khúc bi ca mà rất đỗi kiêu hùng :

    ...Cuộc đời ta bây giờ là thảo nguyên mênh mông
    Là những chiến hữu cùng chia sẻ nỗi buồn cô độc
    Là bầu trời thanh cao khoáng đạt sắc cầu vồng

    ...Và cánh chim dũng cảm của thảo nguyên
    Lại ra đi qua muôn trùng bão táp
    Trên thảo nguyên bao la vẫn vang xa lời hát
    Không phải về đôi mắt người đẹp xưa
    Mà về cuộc đời chàng kị mã kiêu hùng !

    ( ko rõ tác giả )

    TL : Câu hỏi rất hay , tha hồ " đất " để mà " phán " .
    Nhưng còn 1 câu hỏi chung hơn : vậy thì ( xin lỗi ) cái bọn phụ nữ ấy ( nhất là cái bọn xinh đẹp ấy - hoa của đất , hoa của nước , hoa của không khí , hoa của vũ trụ ấy ...) sinh ra để làm gì nhỉ ???...phải chăng đó chính là nguồn gốc của chiến tranh , đâm chém ,chết chóc...nguồn gốc sụp đổ biết bao quốc gia , đế chế ...và nữa ...biết bao anh hùng vĩ nhân chỉ trong chốc lát thân bại danh liệt , uổng phí cả 1 đời chinh chiến...ôi chao ôi !!!!

    Trả lờiXóa
  23. Thơ Puskin thì luôn da diết và lãng mạn, có lần thầy giáo tiếng nga em gọi hỏi có biết và thích bài thơ này không? Em hùng hồn bảo có, thế rồi chỉ đọc được mỗi một câu "Я вас любил" =.=

    Trả lờiXóa
  24. Thêm 1 chút cho đầy đủ .

    Puskin viết bài thơ này năm 1829 , theo phán đoán của tôi là khi chưa quen Natalia .Lí do là đầu 1830 quen cô thư 2 nhà Goncharova là ông " lịm ga " và xin được đính hôn luôn....
    Nói thế để thấy , cả P và nhân vật nữ chính của bài thơ này ko bị ảnh hưởng 1 chút nào bởi cuộc hôn nhân của P - vậy nên lí do từ chối tình yêu của nàng ( nếu có ) phải nhìn theo 1 hướng khác .
    Lúc này P đã 30 tuổi và cực kì nổi tiếng rồi - nên người từ chối t/y của ông phải là 1 nhân vật đặc biệt về cá tính hoặc rất đẹp & kiêu kì....hoặc trong 1 tình huống đặc biệt nào đó .Cái đó là gì thì chắc phải các nhà Puskin học thì mới giải thích được .
    Rất có thể ( tôi tưởng tượng ) tình yêu của P ào ạt như sóng vỗ , còn cô bé thì quá trẻ đẹp nên bị ngợp - hốt hoảng nên vội từ chối .Càng như vậy P càng " điên " - tấn công càng " dữ " ( Ô tấn công Natalia theo cách đó )...
    Vậy trong trường hợp này , ô đã " khai cuộc " thất bại !...cuối cùng , dư vị để lại chỉ là 1 bài thơ bất tử !.

    Trả lờiXóa
  25. Ý kiến này của HDT,tôi thấy là một giả thiết hợp lý nhất trong các phương án của anh,rất sát với ý tứ của bài thơ,vì bình thường thì có lẽ ánh sáng hào quang của thiên tài chỉ có thể bất lực trước sự 'hồn nhiên','vô tư','ngây thơ','trong sáng' của tuổi trăng tròn.
    Chỉ còn mỗi một điều: Nếu nàng vì 'vô tư' mà 'hoảng hốt' từ chối TY, thì P sẽ ko vội gì mà 'gác kiếm',ô là người cực kỳ thông minh, sáng suốt và tự tin (cả bài thơ cũng đã toát nên điều đó),ô sẽ đợi một thời cơ khác.
    Rõ ràng có một 'trở ngại' P ko cách nào vượt qua được mặc dù nàng ko phải ko bị 'lay động' trước TY của ô,tức là giữa 2 người đã có một 'khoảng cách' (về đẳng cấp Cung đình chẳng hạn),
    Tôi nghiêng về giả thiết này :
    Nàng là một tiểu thư Đại Qúi tộc, trẻ trung và tài sắc vẹn toàn (P ko chỉ trân trọng mà còn 'ngưỡng mô' nàng),nàng ko phải ko bị 'lay động' bởi TY của P,nhưng nàng ko thể đáp lại được gì (bằng những 'tín hiệu' riêng của TY- giống như cách mà P đã dùng thể hiện với nàng),bởi việc hôn nhân của nàng đã được 'xắp đặt', thậm chí có thể là một cuộc hôn nhân liên kết 'chính trị' vương -hầu (ko loại trừ việc này chính do ý đồ của Nga Hoàng),điều này giải thích tại sao ô vật vã 'ghen tức'.
    Chỉ có vậy TY của P đành 'dừng bước tại chỗ' (chứ ko phải là "Và cánh chim dũng cảm của thảo nguyên/
    Lại ra đi qua muôn trùng bão táp"
    ! :)
    Trong câu thơ cuối chữ "другим" phải dịch là 'người kia','người ấy' (vị hôn thê trong tương lai của nàng) thay vào 'người khác'.
    Câu cuối nên là :
    'Cầu Trời cho em được người ấy yêu như vậy'(như anh đã từng yêu em)

    Có ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng trong bài thơ này nhân vật nữ chỉ là một hình tượng nghệ thuật,ko ám chỉ vào cụ thể một ai trong đời thực. Ý kiến của tôi là : ngược lại,nhân vật nữ này,chuyện tình này lấy từ một nguyên mẫu đời thực,một trải nghiệm thực của P hơn bất cứ một bài thơ t2nh nào khác.

    Trả lờiXóa
  26. Em thấy giả thiết của Tualinh rất có lý trong bối cảnh sáng tác bài thơ mà a HDT mới giới thiệu, và em cũng hoàn toàn đồng ý với cách dịch câu cuối của TL. Tuy nhiên cá nhân em vẫn có quan điểm riêng. Em vẫn cho rằng đây là một lời ngỏ. Puskin muốn để nàng hiểu rằng cho dù hai người không thể đến được với nhau nhưng ông vẫn mãi mãi yêu nàng, và cái sự "dỗi" của ông mà em nói đến ở trên có thể không phải "dỗi" với nàng mà "dỗi" với chính hoàn cảnh của mình, có thể do sự cách biệt về địa vị XH hay do nàng không thể tự do để đến được với ông. Còn nếu như nàng cự tuyệt ông một cách thẳng thắn, với một người cực kỳ thông minh, đào hoa và nhậy cảm như Puskin, chắc chắn sẽ rút lui trong im lặng. Với bài thơ này nếu diễn ra văn xuôi, em sẽ đọc như sau:
    "Gửi XYZ,
    A yêu e bằng TY chân thành, nồng thắm,..., nhưng a hiểu hoàn cảnh của chúng ta không cho phép vì... A nghĩ a nên rút lui để không làm e bận lòng hơn nữa. A hy vọng rằng e sẽ nhớ mãi mối tình của chúng ta. A thành tâm chúc e được hạnh phúc cho dù a không dám chắc người ấy sẽ yêu e nhiều như a yêu em.
    Đã, đang và sẽ còn mãi mãi yêu em.
    P."
    Em ko hiểu những người phụ nữ khác cảm nhận bài thơ này như thế nào, nhưng đối với em cái làm cho bài thơ này bất diệt chính là ở câu đầu tiên, bởi nó tạo ra một dư âm, xuyên suốt bài thơ, và dư vị ngọt ngào của nó đọng lại sau cả câu cuối cùng và em nghĩ người con gái ấy đã mang câu thơ đó theo suốt cuộc đời.

    Trả lờiXóa
  27. @HT :
    Nhất trí với HT,Bài thơ có 2 câu hàm súc nhất và cũng khó dịch nhất(cả về cấu trúc ngữ pháp lẫn ý tứ) và cũng là hay nhất (các câu tiếp theo là diễn giải), là câu đầu và câu cuối.
    Thật tiếc trong các bản dịch dẫn ra, hình như ko có bản nào chú ý nhấn mạnh tới điều này.

    Trả lờiXóa
  28. @ All: Giờ thì hy vọng mọi người hiểu lý do em đăng lại bài thơ này với rất nhiều các bản dịch khác nhau, và nếu như GAN có thể có một bản dịch của riêng mình thì ko còn gì tuyệt vời hơn. :)

    Trả lờiXóa
  29. Hưởng ứng đề nghị của HT,xin thử đưa ra một 'phương án' có thể nhé:


    Anh đã từng yêu Em

    Anh đã yêu Em : một tình yêu,hơn là có thể,
    Đã hết rồi mà sao còn âm ỉ cháy trong tim;
    Tình yêu hỡi,xin đừng làm Nàng bận lòng thêm nữa
    Ta chẳng muốn Nàng lại gợn sóng u hoài

    Anh từng yêu Em trong âm thầm tuyệt vọng,
    Lúc nhút nhát,rụt rè,khi đau đớn hờn ghen ;
    Anh đã yêu Em chân thành,dịu dàng đến thế,
    Cũng là cầu mong Người yêu Em được như anh đã từng.

    Lời dịch này dựa trên cơ sở 'lĩnh hội' ý tứ của các bản dịch đã dẫn trong bài viết và giả thiết về 'bối cảnh' ra đời mà tôi đã nêu trong com.

    Mời ACE chỉnh sửa hoặc đưa ra bản dịch riêng của mình,sau đó HT 'tổng hợp' thành một bản cuối cùng,vậy là chúng ta sẽ có một bản dịch đúng nhĩa 'của GAN' . :)

    Trả lờiXóa
  30. TB:
    câu cuôi,còn có thể là :
    " Để được cầu mong Người yêu Em sánh với anh đã từng."

    Trả lờiXóa
  31. Trong các bản dịch trên em cũng thích bản dịch của Phạm Bá Chiểu, nhưng em chưa cảm nhận được vị "dỗi" trong đó. Bản dịch của TL cũng hay nhưng đọc xong lại có cảm giác như tình yêu ấy đã hết do bởi cụm từ "đã từng". Em thích cách dùng từ của Thúy Toàn nên em đã sử dụng một số cụm từ của ông.

    Tôi đã yêu Em
    ***
    Tôi đã yêu Em, tình tôi giờ vẫn vậy,
    Ngọn lửa tình đâu dễ tàn phai.
    Nhưng thôi, đừng phiền Em thêm nữa,
    Hay để Em phải gợn thoáng u sầu.

    Tôi đã yêu Em âm thầm, không hy vọng,
    Khi rụt rè, khi nhút nhát, lúc hờn ghen.
    Tôi đã yêu Em chân thành, đằm thắm,
    Cầu cho người ấy yêu Em bằng tình tôi.


    CẤM CƯỜI

    Trả lờiXóa
  32. HT thân yêu ơi, GAN của cậu lại bàn luận xốn xang về tình yêu kiểu Puskin vậy,??? Có ai nặng lòng như nhà thơ chăng,cảm ơn ông đã giúp nhân loại dãi bầy... tớ bất ngờ vì đọc lại bài này trong góc quán cafe mà nhìu người nghe được nhỉ... đúng là thời @...sao cái chữ acong naỳ lạ mắt thế.!!! Tớ thích lời dịch của GAN...

    Trả lờiXóa
  33. @ Hangle: Thì cũng là nhờ cậu cho tớ nghe lại bài thơ ấy nên GAN mới có một bài đăng dài dặc dặc với hơn 30 comment. Tớ đâu có tự nhớ ra được bài thơ ấy, vì vậy nếu ai cần cảm ơn thì nên cảm ơn cậu. Còn câu hỏi: "Có ai nặng lòng như nhà thơ chăng?" thì quả thật là tớ chịu. Mà hiện nay trong GAN đang có 2 bản dịch, cậu cần nói rõ là thích bản dịch nào nhé. Hy vọng là không vì tình bạn 33 năm mà cậu đứng về phe tớ, vì tớ cũng chưa ưng bản dịch này và rất mong có người góp ý để chỉnh sửa nó. :)

    Trả lờiXóa
  34. Bác Thu iu quý của con, chẳng hiểu sao cái comment lần trước của con ko post được.. Hôm nay trở lại để xem các bác bình tiếp bài thơ này đến đâu thì không thấy comment của con đâu :(.
    Con cảm ơn Bác đã đăng một bài thơ rất tuyệt ạ :X. Con không biết tiếng Nga nên con xin không dám bàn về ngôn ngữ... Con chỉ xin chia sẻ với bác những cảm nhận của con về tâm trạng của nhà thơ mà con hiểu được chút ít...
    Tôi yêu em đến nay chừng có thể
    Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
    Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,
    Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.

    Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
    Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
    Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
    Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.

    Con thì cảm thấy Puskin thực sự là một người rất giàu tình cảm và có chút j đó sống hết mình cho tình cảm, cảm giác như tình yêu ấy đã choán hết cả trái tim ông, hơi thở ông..." yêu em đến chừng còn có thể" rồi " Yêu chân thành, không hi vọng", rồi rụt rè, rồi hậm hực lòng ghen... < Nếu có anh nào mà yêu mình như thế này, là con gật đầu ngay :d>... Nhưng tình yêu thì không thể đáp trả bằng lòng tốt, trái tim cô gái ko yêu nhà thơ, nên con đoán là cô ấy đã từ chối... Nhà thơ vẫn tiếp tục yêu cô gái ấy như thưở bắt đầu, nhưng do tình yêu ko được đáp trả, vẫn hiên ngang : Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em....
    Con nghĩ tư tưởng này đến giờ vẫn còn, muốn người mình yêu thương sẽ được hạnh phúc, thế là đủ rồi... Xin ngả mũ trước hồn thơ và trái tim yêu thương của Nhà thơ Puskin :)
    Con xin cảm ơn Bác iu dấu của con một lần nữa về bài thơ rất hay và bản nhạc cũng thật tuyệt nữa ạ :X

    Trả lờiXóa
  35. @ Thỏ: Cảm ơn con đã ghé qua. Nhà mạng nhiều lúc cũng hắt hơi, cảm cúm ấy mà. Lần sau để chắc ăn, viết comment xong con copy lại rồi hẵng đăng, nếu chưa được, con paste lại rồi lại đăng tiếp, thể nào cũng thành công. Con làm bác tiếc "hùi hụi" vì không được đọc comment của con. Bác mất khá nhiều công để lựa clip với những bức danh họa của Ivan Kramskoy, dưng hình như mỗi con là quan tâm đến hay sao ý. Rất vui khi con thích bài đăng này. :)

    Trả lờiXóa
  36. @ Minhchau: Cô chắc là còn nhiều bản dịch hơn thế nữa, nhưng bản của Thúy Toàn là được biết đến nhiều nhất. Con có ý tưởng gì không? Cô đã đọc mấy bài thơ của con, cũng được lắm. :)
    @ Trangvu: Đến giờ thì đã thuộc chưa? Hôm nào trả bài với cô nhé. :)

    Trả lờiXóa
  37. Hôm nay mới đọc được phần "tán" của mọi người về bài thơ nổi tiếng của P.Nhưng mình thấy dũng cảm hơn cả là lời dịch bài thơ của HT.Sao bạn liều quá vậy ta?.Hai mươi năm trước khi còn hành nghề bút sách mà "tại hạ" cũng chỉ dám dịch vài bài thơ mới cho đỡ "đụng hàng".Các bài dịch của các bậc tiền bối toàn là thày cô bọn mình.Ôi! Đây mới đúng là bạn mình.Nhưng khác với các bạn, mình thích O.B.Mình thích cách O.đã yêu,đã buồn, đã da diết...TY của bà như cơn mưa lâm thâm lúc trời đông giá lạnh, không lên gân, không trách cứ ồn ào, chỉ nhâm nhi như một chút vôtca với người không biết uống. Thế mà say, mà cay, mà sống mãi cùng t/g...

    Trả lờiXóa
  38. @ HH: Giờ cậu mới biết là tớ "dũng cảm" à? :) Khi mới tập đi xe máy tớ toàn chui vào ngõ nhỏ, phố đông. Mọi người bảo sao không lên Lăng Bác mà tập cho dễ, đường vừa rộng, vừa thoáng. Tớ bảo nếu cứ tập chỗ đường rộng, đường thoáng, lúc vào đường chật, đường đông thì làm thế nào. Lại nữa, khi cô cháu gái dạy sử dụng máy tính, tớ yêu cầu dạy cách sử dụng Excel, vì thấy mọi người bảo học Excel khó. Đến khi dùng được Excel rồi tớ mới quay lại học Word. :))
    Nói là dịch thơ là nói cho vui thôi, chứ lúc đấy vui thì cao hứng, chứ chẳng dám "thi thố" với các bậc tiền bối, nhưng nếu như bối cảnh của bài thơ đúng như các anh ấy tìm hiểu thì bản dịch của Thúy Toàn cũng chưa thật thỏa mãn.

    Trả lờiXóa
  39. Tôi đã thuộc bài thơ này bằng tiếng nga từ lúc còn là cô học sinh phổ thông...Lúc đó bản dịch của Thúy Toàn là bản dịch gần như đã đi vào tâm hồn độc giả - phần lớn là thanh thiếu niên miền bắc, đặc biệt là Hà nội...Dẫu rằng có người vẫn cứ cảm thấy "không thỏa mãn" với bản dịch của Thúy Toàn, nhưng đối với tôi, bản dịch của ông vẫn là đạt nhất.
    "Как дай вам Бог любимой быть другим." " Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em"
    Vâng, ông đã hòa vào dòng thơ đó, ông là người chuyển tải lại cơ mà, ông đã làm bao trái tim thanh thiếu niên Việt nam thời kỳ đó rung động, bài thơ dịch của ông đã hiện diện khắp nơi, trong cặp sách của những cô cậu học trò, sinh viên, những người lính, và cả những người thợ bình dị...
    "Но пусть она вас больше не тревожит;
    Я не хочу печалить вас ничем. Đại từ 'вы' ở đây mới tuyệt làm sao! đó là sự tôn thờ, một sự ngưỡng mộ, vô cùng thiêng liêng, vô cùng cao đẹp...
    Những ai biết tiếng Nga hãy cảm nhận bằng tiếng Nga, còn tôi, tôi cảm nhận cả tiếng Nga và
    Việt, và thật sự tôi vẫn thích bản dịch của Thúy Toàn nhất. Cảm ơn dịch giả Thúy Toàn!

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.