Я вAс любИл: любОвь ещЕ, быть мOжет,
В душЕ моЕй угАсла нЕ совсЕм;
Но пУсть онА вас бОльше нЕ тревОжит;
Я нЕ хочУ печАлить вАс ничЕм.
Я вАс любИл безмОлвно, бЕзнадЕжно,
То рОбостьЮ, то рЕвностьЮ томИм;
Я вАс любИл так ИскреннО, так нЕжно,
Как дАй вам БОг любИмой бЫть другИм.
Xin mượn bài thơ này của đại văn hào Pushkin để minh họa về mối liên quan giữa ca từ và thi từ trong tiếng Nga.
Đặc điểm của các ngôn ngữ Nga, Anh, Pháp... là các dấu trọng âm. Người Ta nói tiếng Tây sai trọng âm thì cũng như người Tây nói tiếng Ta lơ lớ không bỏ dấu, ngộ nghĩnh và khó hiểu. Việc đưa thơ vào nhạc cũng có điểm giống như thế.
Khi vào thơ, các trọng âm được sắp xếp thay phiên với các vần không có trọng âm theo chu kỳ. Quy luật chu kỳ này tạo ra một sự tương ứng với các phách mạnh và phách nhẹ của giai điệu.
Có thể một phần vì vậy chăng mà âm nhạc Tây phương giàu tính nhịp điệu? Dĩ nhiên truyền thống dân vũ mạnh mẽ của họ cũng có ảnh hưởng rất quan trọng.
Trở lại bài thơ trên, tôi đánh dấu các nguyên âm trọng âm/phách mạnh bằng chữ cái in hoa viết nghiêng, các nguyên âm có trọng âm thứ cấp/phách mạnh vừa bằng chữ cái in hoa. Các nguyên âm để chữ in thường thì hoàn toàn không có trọng âm.
Bây giờ, bạn hãy thử đọc lại bài thơ theo nhịp “ta tẮt ta tA, ta tẮt ta tA...”. Nếu không đọc được tiếng Nga cũng không sao, chỉ cần nhẩm qua các nguyên âm và dùng ngón tay gõ nhịp theo. Bạn có thấy là bài thơ đã chứa sẵn nhịp điệu 2/4 (hoặc 4/4)? Bạn cũng có thể dễ dàng chuyển sang nhịp ¾ nếu để nguyên âm có trọng âm ngân dài gấp đôi nguyên âm không có trọng âm.
Tiếp theo, bạn hãy nhìn vào kết thúc của từng dòng thơ để xem cách gieo vần của bài thơ này. Câu thứ nhất hiệp vần với câu thứ 3 (мOжет – вОжит). Câu thứ 2 hiệp vần với câu thứ 4 (сЕм – чЕм). Các trọng âm cuối câu này rất quan trọng vì trong giai điệu tương ứng, chúng sẽ được ngân dài hơn. Việc gieo vần vào những chỗ dễ nhận thấy về mặt nhạc tính như thế này sẽ thu hút sự chú ý của người nghe. Một trong những kết quả là bài hát dễ hát và dễ nhớ.
Cuối cùng, bạn hãy so sánh hai khổ thơ. Chúng được gieo vần khác nhau, nhưng xét về mặt cấu trúc các câu nhạc chúng hoàn toàn lặp lại nhau về số lượng dòng thơ, độ dài từng câu thơ, kết cấu nhịp điệu và nhất là phách mạnh kết của mỗi câu. Điều ấy có nghĩa là nếu bạn định phổ nhạc bài thơ này, bạn đã có sẵn 2 verses (phiên khúc) để hát vào CÙNG một giai điệu.
Thơ tiếng Việt thông thường không tuân theo những quy luật nói trên mà có những quy luật riêng về bằng trắc. Nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể làm thơ tiếng Việt vận dụng những quy luật của âm nhạc. Và thể loại thơ đặc biệt đó chính là ca từ.
Nhưng quy luật của âm nhạc rất lạ kỳ. Vì nhiều khi những gì đi vào lòng người nghe lại không theo những nếp phổ biến thông thường. Hơn nữa trên đây chỉ là suy nghĩ và phân tích của cá nhân tôi. Không phải là những quy tắc trích dẫn từ sách giáo khoa, vì 3Chai có qua trường lớp nào đâu.
Em học tiếng Nga và đọc không ít thơ Nga nhưng đúng đây là lần đầu tiên được phân tích về cách gieo vần trong thơ Nga. Rất, rất có lý. Cảm ơn anh Bachai.
Trả lờiXóa@HT. Thấy việc mình làm có ích cho một người, vậy là rất vui rồi.
Trả lờiXóaXét riêng về mặt hình thức, theo mình gieo vần tuy quan trọng, nhưng chỉ là một trong nhiều tính chất của thơ Nga thôi HT à.
Nếu trong thơ Việt chu kỳ bằng trắc tạo ra nhịp điệu, thì trong thơ Nga, đó là chu kỳ trọng âm.
Nhờ chu kỳ này mà thơ Nga gợi ý nhịp điệu cho người viết nhạc, nhưng lại không "cưỡng chế" giai điệu (cao độ các nốt) như thơ Việt.
Mình có một anh bạn đã du học nhiều năm ở Nga, một anh khác ở UK. Hai anh ấy yêu thơ, làm thơ Việt cũng không tồi, nhưng khi làm thơ tiếng Nga hay tiếng Anh thì chỉ chú ý gieo vần cuối câu mà hoàn toàn bỏ qua chu kỳ trọng âm. Các anh gửi thơ cho mình để nhờ phổ nhạc. Nội dung thì hay nhưng mình đành bó tay vì không đủ trình độ viết lại thành những bài thơ mới, có đầy đủ trọng âm.