Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Vì sao Elvis được mệnh danh là Ông hoàng nhạc rock

Nguồn RFI
         "Nếu không có Elvis, thì chẳng bao giờ có ban nhạc The Beatles." Sinh thời, ca sĩ John Lennon đã nói câu này để ghi nhận tính tiên phong của người được mệnh danh là - The King - ông hoàng nhạc rock." Hơn 3 thập niên sau ngày qua đời, Elvis Presley không chỉ để lại dấu ấn trong làng nhạc pop - rock, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lãnh vực văn hóa đời sống.
         Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Elvis qua đời, chương trình Góc vườn Âm nhạc đài RFI hoà âm cho quý thính giả và các bạn nhiều liên khúc. Đầu tiên hết là liên khúc nhạc tình Are you Lonesome tonight & Fame and Fortune. Kế đến là liên khúc nhạc rock gồm các bản Jailhouse Rock & Teddy Bear & Hound Dog & Don't Be Cruel. Thứ ba là liên khúc Las Vegas gồm các bản Always on my Mind & Let it Be Me (phiên bản tiếng Anh của bài Je t'appartiens). 
         Cũng như ngôi sao màn bạc Marilyn, Elvis (1935-1977) trước hết là biểu tượng của một thời đại, là hiện thân của rock and roll, hiểu theo cả hai nghĩa phong cách và thể loại âm nhạc. Chất giọng thiên phú, điệu bộ khiêu khích, sự nghiệp vinh quang, cuộc đời ngắn ngủi : tất cả những yếu tố đó khoác lên vai nhân vật này một bộ áo giáp ngời sáng, tuy không đủ dày để chống đỡ lại mũi tên của định mệnh, nhưng vầng hào quang đủ nhiệm mầu để hóa thân anh thành một hình tượng bất tử.


         Sở dĩ Elvis Presley được tặng cho cái biệt danh ông hoàng nhạc rock, bởi vì anh được xem như là gương mặt da trắng đầu tiên giúp cho dòng nhạc rock and roll trở nên phổ biến rộng rãi. Dòng nhạc rock and roll gợi hứng từ rythm and blue của người Mỹ da đen, bằng cách chuyển đổi nhịp điệu tam phân (của R&B) thành nhịp điệu nhị phân. Dòng nhạc này hình thành và phát triển từ cuối những năm 1940. Đến đầu thập niên 1950, nhiều nghệ sĩ da trắng như Bill Haley, Buddy Holly và Jerry Lee Lewis lao vào sáng tác theo phong cách này.
         Bill Haley viết bài Rock around the Clock vào năm 1952, nhưng vì anh mới khởi nghiệp, chưa có hợp đồng ghi âm, cho nên Bill Haley chỉ thu bài này vào giữa năm 1954. Bài hát sau đó trở thành bản nhạc rock đầu tiên chiếm hạng đầu thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bài hát được xem như là bản tuyên ngôn, khởi nguồn dòng nhạc rock (theo nghiên cứu của sử gia người Mỹ Joseph Burns, thuộc đại học Southeastern Louisiana) là nhạc phẩm That’s Allright (Mama) do tay đàn nhạc blues da đen Arthur Crudup viết vào năm 1946.
         Vào cuối năm 1953, khi Elvis ghi âm bài này với lối chuyển đổi phân nhịp (từ tam phân thành nhị phân), thì cậu thanh niên mới 18 tuổi này trở thành nghệ sĩ da trắng ghi âm bản nhạc rock đầu tiên (dù rằng chuyển thể) trong lịch sử âm nhạc. Sự thành công nhanh chóng của Elvis tạo ra một tác dụng bất ngờ: vào cái thời chưa có phong trào đòi quyền bình đẳng màu da, nhiều khán giả trẻ tuổi người Mỹ da trắng khám phá và yêu chuộng nghệ sĩ đa đen. Tuy không cố tình, nhưng Elvis đã mở đường cho sự thành công của nhiều nghệ sĩ da màu như Chuck Berry, Bo Diddley và Little Richard: âm nhạc của họ trước đó bị hạn chế, không được phổ biến rộng rãi để đi vào dòng chính.
         Ngoài chất giọng mượt mà trời ban, Elvis còn có một cách thể hiện rất riêng biệt. Nếu giọng ca vàng Frank Sinatra (The Voice) thường hất câu đá chữ, thì ông hoàng Elvis hay uốn giọng nấc quảng. Trên sân khấu, anh được mệnh danh là Elvis the Pelvis vì có lối ‘‘lắc hông’’ rất gợi tình gợi cảm: Phái nữ điêu đứng mê mệt, phái nam bắt chước khuôn mẫu : đầu tóc chải mượt, tướng mạo trau chuốt. Do xuất hiện 10 năm trước các ban nhạc huyền thoại (Beatles, Rolling Stones), cho nên Elvis đã ảnh hưởng đến lối sáng tác của họ. Tại châu Âu, tất cả các nghệ sĩ hát nhạc rock những năm 1960 như Cliff Richard hay Johnny Hallyday đều vay mượn nếu không nói là bắt chước phong cách biểu diễn của Elvis.
         Nổi danh từ năm 1955 cho tới tận ngày qua đời, Elvis thành công một cách ngoạn mục chớp nhoáng : anh là ca sĩ đầu tiên chiếm hạng đầu thị trường trong ba thể loại : rock, country và gospel. Tuy nhiên sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của Elvis là việc ký hợp đồng độc quyền 20 năm với ông bầu Tom Parker (còn được mệnh danh là Đại tá - Colonel). Do Tom Parker chỉ quản lý một nghệ sĩ duy nhất, theo đó ông được 15% trên mỗi hợp đồng của Elvis (đến cuối đời là 50%), cho nên ông Tom Parker đã nhận hầu như mọi lời mời biểu diễn, chỉ nhắm tới số lượng mà không màng đến chất lượng.
         Chính trong giai đoạn này mà Elvis đã ngưng ca hát và lưu diễn, để chuyển sang đóng phim ca nhạc (và như vậy chỉ ghi âm ca khúc cho các bộ phim) từ năm 1960 trở đi, tức là sau thời gian anh đi lính. Trong vòng gần 10 năm, Elvis đóng 27 bộ phim nhưng không để lại dấu ấn nào thực sự đáng ghi nhớ trong làng điện ảnh. Dù kiếm được tiền, nhưng Elvis không bao giờ được công nhận như một diễn viên thực thụ. Sự thành công ‘‘nửa vời’’ đó, khiến cho anh chán nản, thất vọng. Gò bó, tù túng nhưng không có đủ can đảm để đoạn tuyệt với ông bầu Tom Parker, ông hoàng Elvis dần dần xa rời với thực tế, lún sâu vào chứng nghiện thuốc kích thích và an thần. Giọng ca Elvis vẫn thiên thần, nhưng hình hài bắt đầu tự hủy hoại.
         Mãi đến năm 1969, Elvis mới ngưng đóng phim và nối lại với sân khấu ca hát, mở ra giai đoạn thứ nhì trong sự nghiệp của anh, ít còn là nhạc rock mà chủ yếu là nhạc pop cường điệu hoành tráng, hợp với phong cách của các crooner, biểu diễn tại các sòng bạc Las Vegas. Chính cũng vì thế mà các nhà phê bình âm nhạc đánh giá rằng: Elvis ít còn sáng tạo sau khi giải ngũ trở về. Ông hoàng nhạc rock đã chết khi bán linh hồn để đổi lấy hợp đồng kếch sù, thù lao hậu hĩnh. Nhưng Elvis vẫn thu hút nhiều tầng lớp fan mới. Khi chuyển qua hát nhạc phổ thông, nhạc nhẹ, nhạc chuyển dịch, tuy chất lượng của các ca khúc có thể không đồng đều, nhưng ít có ai thổn thức biểu cảm bằng Elvis trong cách thể hiện nhạc tình lãng mạn ướt át, dù hát nguyên tác hay hát cover.
         Ngoài chất giọng high baritone (giữa tenor và baritone) trải dài trên gần ba cung bậc, tiếng hát Elvis còn đặc biệt mùi mẫn trong những nốt trầm. Cách rung giọng luyến láy của anh không đơn sắc đơn âm, mà lại đa màu biểu cảm. Nhờ vào thính giác hơn hẳn người thường, mà Elvis khi thoáng nghe qua một điệu nhạc, vẫn có thể hát lại mà không lạc điệu, sai nhịp và nhất là đúng với độ dài của từng nốt. Nhờ vào cái năng khiếu bẫm sinh này, mà Elvis hát nhạc gospel rất có hồn, hát nhạc country rất có duyên, và hát nhạc nhẹ rất có tình. Có thể nói Elvis trở thành nghệ sĩ cross over đầu tiên của làng âm nhạc, vượt qua ranh giới, xuyên các thể loại.
         35 năm sau ngày qua đời, đĩa hát của Elvis mỗi lần tái bản đều được bán chạy. Theo thống kê chính thức, tính đến nay, Elvis đã bán gần 1 tỷ đĩa nhạc, 700 triệu thời anh còn sống và hơn 300 triệu sau ngày anh mất. Ông hoàng nhạc rock đứng đầu danh sách các nghệ sĩ quá cố nhưng giọng ca vẫn tiếp tục ăn khách, qua mặt Frank Sinatra và Bố già James Brown, hơn xa Dalida và Claude François, dù số bán có gộp lại.
         Được tạp chí phê bình âm nhạc Rolling Stone xếp vào hạng ba trong số 100 nghệ sĩ xuất sắc nhất mọi thời đại, chỉ thua có nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin và kỳ tài nhạc blues Ray Charles, ông hoàng Elvis đã lót đường cho các nhóm nhạc trẻ thay đổi cục diện của làng nhạc rock Tây phương. "Không có Elvis thì chẳng có Beatles", câu nói của John Lennon vẫn còn hiệu nghiệm, chừng nào con tim còn biết nỗi niềm, chừng nào hồn người chưa quên kỷ niệm.




"Nếu không có Elvis, thì chẳng bao giờ có ban nhạc The Beatles." Sinh thời, ca sĩ John Lennon đã nói câu này để ghi nhận tính tiên phong của người được mệnh danh là - The King - ông hoàng nhạc rock.."

1 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay,uyên bác và bổ ích về nhận thức cho một bạn đọc GAN 'ngoại đạo' như tôi.
    Cám ơn VNQ đã sưu tầm và giới thiệu.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.