Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

TÔI VIẾT VÀ HÁT "CHUYỆN TÌNH KHÔNG TÊN"



Có những ca khúc tôi viết xong thì bây giờ không biết lúc ấy làm sao mà mình lại viết được ra như vậy. Thậm chí quên luôn cả ca từ, chỉ nhớ giai điệu. Nhưng cũng có những ca khúc mà sự ra đời được in thật sâu vào ký ức . “Chuyện tình không tên” là một ca khúc như vậy.
Bản nhạc đầu tiên của bài này được gửi lên blog cũ của Bạn Trỗi K5 (15/12/10), sau đó được các bạn thương mến kéo về trang Bạn Trỗi K4Bạn Trỗi K6. Sự việc đã xảy ra trong đêm 12/12/10 khi tôi viết ca khúc này là có một chàng cảnh sát Úc gõ cửa nhà tôi lúc 4 giờ sáng, nghe hơi có vẻ trinh thám một chút và đã được kể trên trang K4, thật ra chẳng liên quan gì đến nội dung của bài hát. Nay qua năm mới rồi, xin hầu các bạn những chi tiết mới thực sự có liên quan.
Số là ngày 28/3/11 tới này là SINH NHẬT LẦN THỨ 35 LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG TP HCM. Có người bạn nhạc sĩ ở SG rủ tôi tham gia cuộc thi sáng tác kỷ niệm ngày đó. Bạn nhắc nhở hoài mà mình thì cứ lấy cớ bận. Tới hồi hết hạn nộp bài rồi mới thú thực với bạn là bấy lâu nay mình mắc chứng bí ca từ. Hầu như mỗi ngày trên đường đi làm đều nghe thấy trong tai mình những giai điệu mới, nhiều lần lấy điện thọai ra ghi lại cho khỏi quên, giai điệu tích lại trong máy cũng nhiều mà chẳng ra cái sự gì. Viết lời thấy khó quá, khó quá! Bạn nghe vậy mới gửi cho một tập thơ của các anh chị TNXP, bảo rằng thôi cứ viết đi, không dự thi cũng chẳng sao, miễn là có bài cho tình nghĩa thôi. Tôi đọc một lèo hết tập thơ, thấy thích 11 bài, chọn chép để riêng ra một chỗ. Đặc biệt thích bài thơ “Chuyện tình không tên” của tác giả Nguyễn Thái Sơn. Bài thơ có ý tứ, có cốt chuyện rất cảm động. Thực tình lúc đầu tôi không nghĩ sẽ viết nhạc cho bài này, vì thơ hơi dài, lại không có cấu trúc thuận lợi lắm.
Chiều hôm ấy ở nhà một mình giở bài thơ ra đọc lại. Lại rưng rưng. Đến “Dãy đồi ấy tên gì?/Cánh rừng bao nhiêu tuổi?” thì giai điệu vỡ òa. Ngay sau đó là “Tóc mình dính cỏ mềm,/nước mắt mình nóng hổi” motif lặp lại như tiếng vọng của thời gian. Có tác giả dạy rằng nghệ thuật viết ca từ là phải bắt người nghe từ những con chữ ngắn gọn mà liên tưởng đến cả một khung cảnh, một câu chuyện. Tôi nhắm mắt lại, thấy như đang được coi một đoạn phim đen trắng thời chiến tranh xa xưa. Dãy đồi. Cánh rừng. Tóc. Cỏ. Nước mắt của tình yêu. Tất cả lướt đi trong một giai điệu có những bước nhảy quãng 6 như tiếng gọi khắc khoải. Đoạn này phải là điệp khúc!!! Nó là cái móc câu, níu lấy sự chú ý của người nghe. Phần việc còn lại là phiên khúc, chủ yếu là dàn xếp kỹ thuật sao cho thấy trôi chảy mà thôi.
Viết xong bản nháp thì cầm đàn lên hát ngay. Có cái phần mềm WavePad miễn phí nhưng cũng khá mạnh. Micro là thứ rẻ tiền hình như mua đâu cỡ 10 bảng hồi còn ở London. Cũng tạm đủ. Bản thu đầu tiên tôi khóc ròng và hát sai một lỗi lớn. “Bàn tay em níu vai tôi tin cậy”. NÍU thành ra NẮM. Người con gái TNXP vừa vuốt mắt cho người bạn hy sinh, đi tìm chỗ tự nguôi lòng thì gặp anh bộ đội lái xe. Vai anh thành điểm níu cho em. Nhưng ngay cả một chỗ dựa mong manh cho em anh cũng đã không làm được, phải bỏ đi ngay, mãi mãi chẳng biết tên tuổi nhau. Đau là vậy. Vậy mà lại NẮM vai nhau thì còn ra cái ý nghĩa gì nữa! Tuy vậy tôi vẫn giữ lại bản thu âm này như một kỷ niệm cho đứa con vừa lọt lòng.
Lần thu tiếp theo về cơ bản là đã diễn đúng nhạc, đã bình tĩnh hơn tuy xúc động thì vẫn còn nhiều. Bản thu âm này được đánh dấu đằng sau đuôi một chữ R. Thế quái nào khi gửi cho bạn Trỗi để đưa lên blog thì lại nhầm. Báo hại anh Tt phải làm lại cái DivShare 2 lần mới ra cái bản có chữ R. Đó chính là bản mà các bạn có thể nghe lại ở trang K6.
Gửi bài hát về SG cho người bạn NS đã gửi tặng tập thơ. Bạn góp ý rằng motif nhạc của câu đầu tiên trong cả 2 đoạn phiên khúc đã nhắc lại rồi, khi sang điệp khúc thì nên sửa cho nó đổi không khí. Một góp ý rất đúng. Thế là nốt đầu tiên của điệp khúc (“Anh vừa hai mươi...”/”Đêm ấy rồi xa...”) được nâng lên hẳn một quãng 6. Dào dạt hơn. Kêu gọi hơn. Bạn có thể so sánh bản cũ với bản mới đã sửa mà tôi đưa lên ngày hôm nay, sẽ còn tìm ra một vài sửa chữa nhỏ khác nữa.
Gần như cùng lúc với “Chuyện tình không tên” tôi viết “Cây guitar thùng trên vùng Xuyên Mộc” cho lời thơ của anh Ông Văn Chiến, cũng là một cựu TNXP. Cả hai bài được gửi sang bên TNXP, tuy chẳng dự cuộc thi nào, nhưng chắc cũng đem lại niềm vui cho những người bạn tôi chưa hề gặp. Anh Chiến sau ngày giải ngũ về sống ở SG. Thông qua người bạn nhạc sĩ ở SG, tôi có được số điện thoại của anh Chiến, nói chuyện được với anh đôi lần và hẹn gặp lần sau khi về VN. Nhưng còn Nguyễn Thái Sơn, đồng tác giả của “Chuyện tình không quên”? Bạn tôi cũng đã đi tìm, mà đến hôm nay vẫn chưa biết được anh là ai, ở đâu, còn hay mất.
Anh Sơn à. Cảm ơn anh rất nhiều vì đã mang lại cho tôi những phút giây tuyệt vời của cảm xúc sinh nở. Vâng, “Chuyện tình không tên” là con của anh từ lâu rồi, nay tôi được sinh ra nó lần nữa. Vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ phải gặp nhau phải không anh?

8 nhận xét:

  1. @tranbachai:
    Bác thử liên hệ? liệu có phải NGUYỄN THÁI SƠN này không?

    Trả lờiXóa
  2. @ A Bắc Hải: Anh có thể đăng lời của bài hát được không?

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện tình không tên

    Nhạc: Trần Bắc Hải; Thơ: Nguyễn Thái Sơn

    Sau trận pháo bầy, cánh rừng nghi ngút khói,
    Trung đội thanh niên xung phong lại khuyết mấy người
    Chọn quãng vắng, em đằm mình trong suối
    Nước mắt dịu bớt nỗi đau.

    Xe tôi đợi thông đường nép dưới bụi tre gai,
    Tên tuổi nhau chúng mình chưa kịp hỏi,
    Bàn tay em níu vai tôi tin cậy,
    Bàn tay vuốt mắt bạn chiều nay!

    Thương vội vàng chẳng ai nỡ tiếc nhau,
    Nụ hôn thời chiến tranh nửa ngọt ngào, nửa đắng,
    Phút hòa nhập diệu kì hai mảnh đời trong trắng,
    Rừng chuyển gió ngả nghiêng, sao băng vạch ngang trời,

    Anh vừa hai mươi, em chắc cũng hai mươi,
    Dãy đồi ấy tên gì?
    Cánh rừng bao nhiêu tuổi?
    Tóc mình dính cỏ mềm, nước mắt mình nóng hổi,
    Nửa đêm thông đường tay đành gỡ tay nhau.

    Đêm ấy rồi xa, còn gặp lại nữa đâu!
    Dãy đồi ấy tên gì?
    Cánh rừng bao nhiêu tuổi?
    Tóc mình dính cỏ mềm, nước mắt mình nóng hổi,
    Kỷ niệm cũ bao năm còn đau nhói

    Anh vừa hai mươi, em chắc cũng hai mươi,
    Dãy đồi ấy tên gì?
    Cánh rừng bao nhiêu tuổi?
    Tóc mình dính cỏ mềm, nước mắt mình nóng hổi,
    Kỷ niệm cũ bao năm còn đau nhói
    Cuộc đời mình bao chuyện hóa không tên!

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn VNQ. Thông tin rất quý giá. Hy vọng đó chính là tác giả bài thơ.

    Trả lờiXóa
  5. @ A Bắc Hải: Em vào trang K6 và thực sự có ấn tượng với "bộ sưu tập" và rất muốn bê cả "bộ sưu tập" ấy về Góc Âm Nhạc (tham nhỉ). Em xin phép kéo link về để ở thanh bên để sau này vào nghe cho tiện nhưng không comment được.

    Trả lờiXóa
  6. Phải nói là bài thơ rất hay. Nó phản ánh một cách trung thực và dung dị những rung động khoảnh khắc trong chiến tranh, khi mà giữa cái sống và cái chết chỉ là một gang tấc, khi mà con người sống thực với những cảm xúc của mình nhất, không toan tính, so đo. Tuy vậy, là một phụ nữ, em không thể không nghĩ về số phận của cô gái ấy sau phút diệu kỳ ấy. Liệu có gì không hay sẽ đến với cô ấy không?... Với chàng trai đó là một kỷ niệm có thể nói là đẹp, còn đối với cô ấy có thể là nỗi buồn. Vì vậy em cảm nhận thấy vị mặn của những giọt nước mắt trong bài hát không đơn giản đó là chiến tranh, cũng không phải đó chỉ là nỗi nhớ về một kỷ niệm trong chiến tranh, về một cuộc tình không tên mà đó là cả nỗi buồn sau chiến tranh của những cô gái với những cuộc tình không tên.
    PS: Hình như a Bắc Hải mới chỉnh lại bài viết này một chút thì phải.

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn HT. Bài viết thì vẫn vậy chưa sửa. Chỉ bỏ 1 cái comment đi thôi sau khi VNQ đã kéo Sài Gòn Có Góc Phố từ K6 về.

    Trả lờiXóa
  8. Có lẽ đề tài chiến tranh, người lính sẽ theo thế hệ chúng ta đến hết cuộc đời.Mỗi tháng 12 đến, mỗi ngày 27.7 hàng năm, hàng vạn người lại đi tìm lại chính mình, tìm lại đồng đội và kỷ niệm xưa.Cảm ơn NS Bắc Hải và nhà thơ THái.Sơn đã ghi lại một khoảnh khắc đẹp đẽ và bi hùng của chiến tranh,của hy sinh và dâng hiến.Em thường thấy nhiều người giờ đã lên ông, bà, nhưng vẫn tham gia các đoàn đi thăm nghĩa trang TSơn để trả món nợ ân tình với những người bạn đã nằm xuống vì Tổ Quốc.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.