Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Hợp xướng CA NGỢI TỔ QUỐC

Cuối năm 1970 khi đang học tại một trường cấp III Hà nội. Trong một đợt hội diễn văn nghệ của trường, tiết mục của lớp chúng tôi là hợp xướng CA NGỢI TỔ QUỐC của nhạc sĩ Hồ Bắc. Được tập và biểu diễn, giai điệu đẹp của bài hát đã in sâu vào vào trí nhớ. Đã lâu không có điều kiện hát và nghe bài này.
Sau một bữa cơm chia tay bạn bè, nhiều câu chuyện của chúng tôi được đưa ra nói với nhau, trong đó có nói về những bài hát hay của Việt nam, nhớ đến giai điệu của bản hợp xướng này, hỏi một người bạn nhưng cậu ta không nhớ tên bản hợp xướng. Rất may, đúng lúc đó tại bàn bên cạnh - NSND Quang Thọ có mặt nên tên của bản hợp xướng này được giải đáp. Ngay lập tức NSND Quang Thọ lĩnh xướng luôn một đoạn của bài, tất cả mọi người có mặt tại đó cùng cất cao tiếng hát hòa cùng nghệ sĩ.
Ca ngợi Tổ quốc của nhạc sỹ Hồ Bắc là bản giao hưởng về tình yêu và lòng kiêu hãnh về Tổ quốc của những con người Việt nam. Với giai điệu da diết, thiết tha và hùng tráng, bài hát đã truyền một cảm xúc thật mênh mông như trải dài suốt biển trời đất nước Việt nam. Trong những năm tháng gần đây, những cảm xúc lớn lao về Tổ quốc thực sự đã vơi đi trong lòng chúng ta. Khi nghe bài này lại nhắc nhở thêm trong mỗi chúng ta tình yêu đối với Tổ quốc Việt nam.

Nhạc sĩ Hồ Bắc (Sưu tầm)
Sinh ngày: 08/10/1930. Tham gia quân đội giữa cuộc kháng chiến chống Pháp và nổi tiếng ngay bằng những ca khúc như Làng tôi, Bên kia sông Đuống (phỏng thơ Hoàng Cầm)... Hoà bình, ông rời Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, về làm biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt . Ngay từ những năm đầu, ông đã có ca khúc Dòng nước mát, đặc biệt là hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc (1960). Cuộc đời của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến, vì vậy một số lớn ca khúc của ông là những bài ca ca ngợi quê hương đất nước, cuộc sống chiến đấu và lao động của quân, dân. Hồ Bắc còn viết nhạc cho phim, nhạc múa. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam, của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng và nhiều huân chương vì sự nghiệp của các đoàn thể. Ông là một nhạc sĩ tự học, vươn lên bằng ý chí và tình yêu âm nhạc. Ông đã có nhiều đóng góp cho âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt . Các ca khúc như: Làng tôi (1949), Gặt tay nhanh (1952), Giữ mãi tuổi xuân (1954), Giữ biển trời Xô viết Nghệ An (1965), Trên đường Hà Nội (1966), Sài Gòn quật khởi (1968), Bên cảng quê hương tôi (1970), Tổ quốc yêu thương.
Bản hợp xướng này có trên trang You Tube.

CA NGỢI TỔ QUỐC
Sáng tác: Hồ Bắc
Trình bày: Dàn hợp xướng Đài TNVN
Lĩnh xướng: NSND Trần Khánh
Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển Đông
Tiếng sóng ngoài khơi dần xa xa những thuyền xuôi dòng,
Kìa từng vạt lúa đùa trong nắng phất phơ nhẹ rung,
Kìa lấp lánh than trên tầng, dưới trời trong.
Hồng Hà, Cửu long nước hoà chung vào biển Đông,
Tiếng hát mẹ ru hời, êm êm những chiều thôn làng,
Kìa rừng nhà máy đỏ tươi ngói khắp tổ quốc tôi,
Ấm no về khắp nơi.
Ngàn bài hát, ngàn lời ca ngợi đất nước ta,
Biển rộng sông dài, bàn tay chúng ta dựng xây!
Tình quê hương tha thiết, dừa xanh bên bóng cau.
Đất nước ta ngàn năm lịch sử, dài lâu!
Non sông yêu dấu có những người dân cần lao yêu thương,
Đã bao máu xương đổ xuống quê hương cho đồng lúa tốt.
Từ một mùa thu năm xưa đứng lên phất cao cờ bay,
Xưa nghèo tăm tối, nay đổi mới, ánh sao rừng chiếu
Mái tranh ấm no từ lâu nhớ công ơn đảng muôn đời
Quê hương yêu dấu có những đàn em đùa trong đêm trăng,
Lũy tre võng ru vẳng tiếng ai ca như mùa xuân tới,
Kìa nhà sàn chênh vênh trên núi cao, ánh sáng điện soi.
Xưa nghèo tăm tối, nay đổi mới, tiếng cười rộn rã,
Bước chân khắp về chợ xa, áo hoa, noọng cười, với ta!
Hồng Hà Cửu Long nước hoà chung vào biển Đông,
Ánh sáng mùa thu còn sáng chiếu khắp non sông
Ta mang bầu máu nóng, tay ta xây cuộc sống.
Việt nam yêu dấu là đất nước bốn mùa kết hoa
Mang nặng tình thiết tha, xuân về tươi sáng.
Tiếng hát hoà không gian, mây đen rồi dần tan,
Ánh mắt tràn tươi vui say sưa ca muôn lời.
Mối tình Tổ quốc tôi. 
Ha há ha ha ha....

11 nhận xét:

  1. Lâu quá rồi không được nghe bài này. Lời bài hát này thật hay. Giá mà có thời gian sưu tầm ảnh phong cảnh đất nước làm slide minh họa cho bài hát này thì thật tuyệt. Có một từ mà em không hiểu "noọng cười" phải chăng là "cô gái cười"? Tiếng Thái chăng?

    Trả lờiXóa
  2. Tham khảo mấy câu thơ dưới đây:
    "Anh lên tìm noọng trên đỉnh núi,
    Muốn múa điệu xòe quạt với noọng thôi!
    Anh lên tìm noọng trên đỉnh núi,
    Muốn nói một lời, một lời với noọng thôi!"

    Trả lờiXóa
  3. CA NGỢI TỔ QUỐC do nhà hát giao hưởng và NSND Quang Thọ lĩnh xướng. Cũng rất tuyệt.

    Trả lờiXóa
  4. Bổ sung thông tin:

    "Bổ sung thông tin
    Sưu tầm:
    “…CA NGỢI TỔ QUỐC ra đời…... Khi đó chuẩn bị kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945 – 2-9-1960), ông và mấy nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam gồm Phạm Tuyên, Lưu Cầu và Lê Lôi bàn nhau cùng làm một tác phẩm đồ sộ để chào mừng ngày thành lập nước. Cuối cùng mấy anh em quyết định viết hợp xướng, mỗi người một chương, ông được phân viết phần đầu. Hồi đó hợp xướng chưa nhiều, trước đó mới có hợp xướng Sóng Cửa Tùng của Doãn Nho, Tiếng hát biên thùy của Tô Hải và Lửa rực cháy của Hồng Đăng. Sáng tác hợp xướng đã khó, tìm được một dàn hợp xướng thể hiện còn khó hơn. May mà Đài TNVN có một dàn hợp xướng khá đông, bài bản nên việc dựng bài không mấy khó khăn.
    Vào thời điểm này, ông đang ốm, người gầy đét, hậu quả của những ngày nằm rừng trong chiến khu, nhưng ông không thể nào tĩnh dưỡng được, một phần vì công việc hối thúc, phần quan trọng hơn là trong ông lúc nào cũng trào lên một cảm xúc mãnh liệt về quê hương, đất nước. Phải bắt đầu thế nào đây? Ông đã trằn trọc mấy đêm liền trên chiếc giường nhỏ, với cây đàn guitare, trong cơn sốt nóng lạnh cùng tập giấy và cây bút chì để rồi quyết định âm hưởng chủ đạo là nhẹ nhàng, sâu lắng, trữ tình, đi vào lòng người. Mở mắt ra là thấy những dòng kẻ, từng nốt nhạc, còn nhắm mắt lại, ông lại đau đáu nghĩ về một đất nước nghèo khó vừa trải qua chiến tranh, bao thiếu thốn vất vả để hàn gắn vết thương chiến tranh và kiến thiết dựng xây đất nước. Nhưng người dân Việt Nam luôn yêu nước nồng nàn, dũng cảm, kiên cường và cần cù. Đó chính là nền tảng cho một cuộc sống tươi sáng sau này. Thế rồi, những nốt nhạc và lời ca từ từ tuôn trên trang giấy:
    Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển Đông
    Tiếng sóng ngoài khơi dồn, xa xa những thuyền xuôi dòng
    Kìa từng vạt lúa đùa trong nắng, phất phới nhẹ rung
    Kìa lấp lánh than trên tầng dưới trời trong...

    Ông kể, khi viết được những dòng đó, ông luôn chìm trong cảm giác ngộp thở, trái tim đập rộn và người nóng bừng nhưng vẫn phải trau chuốt để bản nhạc thật dịu dàng, thật trong sáng và đẹp đẽ. Và từ âm hưởng chủ đạo đó đã cháy lên trong ông ước mơ một nước Việt giàu đẹp, người dân hạnh phúc, ấm no:
    Non sông yêu dấu có những người dân cần lao yêu thương
    Đã bao máu xương đổ xuống quê hương cho đồng lúa tốt
    Từ một mùa thu năm xưa đứng lên phất cao cờ bay
    Quê nghèo tăm tối, nay đổi mới, ánh sao rực chiếu
    Mái tranh ấm no từ lâu….

    Suốt gần hai tuần, ông vật vã trên chiếc giường cá nhân ở 14 Nguyễn Thiện Thuật, quận Hoàn Kiếm để “rút ruột” và cuối cùng, hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc đã hoàn thành. Khi ông đặt bút viết nốt nhạc cuối cùng cũng là lúc ông lả đi vì kiệt sức.
    Sáng 2-9-1960, hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc của nhạc sĩ Hồ Bắc do dàn hợp xướng Đài TNVN trình bày lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ca sĩ Trần Khánh là người lĩnh xướng. Cả khán phòng lặng đi để rồi những tràng pháo tay vang lên không dứt khi bài hát kết thúc. Rất nhiều người đã khóc khi nghe bản hợp xướng, trong đó, có cả những giọt nước mắt của người nhạc sĩ tài hoa. Năm ấy, ông vừa tròn 30 tuổi."

    Trả lờiXóa
  5. Thông tin này thật sự quý giá. Có biết được mới hiểu được giá trị lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Vắt mồ hôi, nước mắt để có được bản hợp xướng với những ca từ đẹp như vậy. Hay mà không sáo rỗng. Đúng là nghe lại những bản hùng ca như thế này lại thấy thêm yêu đất nước, tự hào về dân tộc Việt. Em cứ tự hỏi sao Đại lễ Ngàn năm lại toàn làm em nhớ đến những ký ức về Hà Nội xưa. Phải chăng mình vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó?

    Trả lờiXóa
  6. Giá mà bây giờ được nghe bản hợp xướng này được dàn dựng lại một cách công phu thì hay nhỉ.

    Trả lờiXóa
  7. Sao mà ông ấy có thể nghĩ ra được những ca từ hay thế nhỉ. Phải là một người có tình yêu cháy bỏng với đất nước, với tổ quốc mình mới có thể sáng tác được những tác phẩm hay như thế này. Mình không hay nghe nhạc Việt, nhưng cũng phải công nhận đây là một tác phẩm rất tuyệt.

    Trả lờiXóa
  8. Mình rất thích câu "Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển Đông", nhưng trong tất cả các trang có in lời của bài này lại đều ghi là "Kìa dải Trường Sơn uốn mình quanh ven bờ biển xanh". Có chỗ chữ "xanh" đi cùng câu trên, có chỗ chữ "xanh" lại chuyển xuống dòng dưới. Thế là sao nhỉ?

    Trả lờiXóa
  9. Anh ơi có thể cho em xin bản nhạc có lời + có nốt nhạc có chia bè của bài này được không ạ. em tìm trên google mà không thấy. Cám ơn anh trước.

    Trả lờiXóa
  10. Bản ghi lời trên đây có 5 chữ khác với Tổng phổ mà tôi có năm 1963 (tôi quên Nhà xuất bản), xin đưa ra để có thể ai có điều kiện thì đối chiếu: -...biển XANH, ... DỒN xa xa những thuyền..., Ngàn LỜI hát, ngàn lời ca ngợi..., ánh sao RỰC chiếu mái tranh..., bước chân THOẮT về chợ xa...,

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.