Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

IN A PERSIAN MARKET

Albert William Ketèlbey (1875 - 1959)
John Fahey
Âm nhạc nói riêng và văn hóa Ả Rập nói chung đã từ lâu quyến rũ nhiều người. Thời kỳ vàng son của nền văn hóa này được phát triển cùng sự thịnh vượng của đế quốc Ả Rập (thế kỷ VIII-XI), với sự Ả Rập hóa một vùng đất rộng lớn, từ một phần châu Á, Bắc Phi và một phần châu Âu.
Những thành tựu trong khoa học và nghệ thuật đã làm thế giới phải kinh ngạc trước sức sáng tạo phi thường của nhân dân Ả Rập. Họ cũng đã tạo dựng một nền âm nhạc dân gian, chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới.
Tiếp thu một cách có chọn lọc những thành tựu âm nhạc của Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ… họ đã làm phong phú thêm nghệ thuật âm nhạc của mình. Âm nhạc Ả Rập được khắc họa chủ yếu với tính chất một bè, giai điệu có nhiều âm hoa mỹ, tiết tấu tương đối tự do cùng hiện tượng đa tiết tấu, sử dụng hệ thống điệu thức Makam (với những khoảng cách giữa các âm nhỏ hơn 1/2 cung). Hệ thống nhạc cụ của người Ả Rập cũng rất phong phú. Cùng với những biến chuyển trong lịch sử, âm nhạc Ả Rập đã có điều kiện “vươn xa” tới châu Âu, tạo ảnh hưởng đến những nước này, được thể hiện rõ nhất trong âm nhạc Tây Ban Nha.
Bản nhạc “Phiên chợ Ba Tư” cho dàn nhạc của nhạc sĩ Ketèlby đã tạo không khí sôi động của một phiên chợ náo nhiệt, vui vẻ, nhiều màu sắc. Tính chất Ả Rập một phần nào được thể hiện bằng giai điệu với những quãng tăng. Sự sôi động, ồn ào được miêu tả ở các nhạc cụ kèn đồng, gõ và hợp xướng nam. Xen giữa những đoạn nhạc trên là khúc nhạc trữ tình, dịu dàng, với giai điệu mở rộng, phóng khoáng và những quãng xa, do đàn violoncelle và đàn harpe thực hiện.
Ketèlbey đã pha màu và vẽ ra loạt 9 bức tranh liên hoàn miêu tả cảnh tượng một phiên chợ Ba Tư cổ xưa trong “In a Persian market”: 
Cảnh 1: Những người đánh lạc đà đang tới chợ
Cảnh 2: Những kẻ hành khất đang cầu xin bố thí
Cảnh 3: Sự xuất hiện của nàng công chúa xinh đẹp
Cảnh 4: Những người làm trò tung hứng trong chợ
Cảnh 5: Những người làm trò dụ rắn trong chợ
Cảnh 6: Đức Kha-lip (vua Hồi giáo) đi qua chợ
Cảnh 7: Những kẻ hành khất lại lên tiếng cầu xin
Cảnh 8: Những người đánh lạc đà tiếp tục lên đường
Cảnh 9: Chợ trở nên vắng vẻ, hoang vu


Trong bản nhạc này có thể nhận thấy ngôn ngữ âm nhạc (được thể hiện qua nghệ thuật phối khí, tính chất giai điệu…) mang tính miêu tả rõ nét, vẽ nên một khung cảnh chợ Ba Tư huyền thoại với sự đa dạng, nhiều màu sắc. Sự tương phản được tạo nên trong bản nhạc giữa những đoạn sôi động và trữ tình. Tác phẩm được kết thúc với những âm thanh chìm dần, lặng dần… của kèn gỗ.

 
André Rieu và dàn nhạc Johann Strauss trình diễn bản nhạc tại Đức (2004)



Alexander Faris và dàn nhạc London Promenade    
(Sưu tầm)

4 nhận xét:

  1. Mình thấy dàn nhạc của André Rieu chơi bản này hơi nhanh. Mình thích nó chậm hơn một chút để có thể cảm nhận được tất cả các sự kiện và như vậy phù hơp với cách sinh hoạt của người Trung Đông hơn. Tiết tấu nhanh chỉ phù hợp với người châu Âu. Mình thích cách chơi của Dàn nhạc London Promenade do Alexandra Fair chỉ huy hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Mạng hôm nay chậm, chán quá! :(

    Trả lờiXóa
  3. Cách đây 43 năm bản "In a Persian Market" được nhà trường làm bản nhạc báo thức giấc ngủ trưa cho lũ học sinh nhóc con chúng tôi.

    Trả lờiXóa
  4. @ Nặc danh: Thật thú vị. Chắc bây giờ mỗi khi muốn tỉnh ngủ các anh/ chị chỉ cần nghe bản nhạc này là tỉnh ngủ hẳn nhỉ. :P

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.