Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Giai thoại một bài hát

"Comme toi" - một ca khúc tiếng Pháp được khá nhiều người Việt Nam yêu thích. Giai điệu lãng mạn cùng giọng ca trầm buồn, càng lúc càng trở nên xót xa, nức nở của Jean-Jacques Goldman, khiến người nghe không biết tiếng Pháp nhầm tưởng Comme toi là một bản thất tình ca. Nhưng sự thực là "Comme toi" ẩn chứa sau nó những câu chuyện buồn, những mảnh đời bất hạnh và những tội ác đáng sợ của loài người...
 
Dưới đây là giai thoại của bản "Comme toi" do Tuấn Thảo đài RFI biên tập và trình bày...thêm nữa còn được nghe "Comme Toi" được thể hiện bằng nhiều phiên bản khác nhau.
 
Bản TEXT (giành cho người thích đọc)
Cách đây 30 năm, một tác giả vừa tròn 30 tuổi cho ra mắt một tập nhạc mà ban đầu ít ai để ý tới. Vài tháng sau, album này phá kỷ lục số bán với gần một triệu bản chỉ riêng trên thị trường Pháp, khẳng định Jean Jacques Goldman như là một trong những ca sĩ kiêm tác giả hàng đầu, thành công trong ba thập niên liền. 
Mang tựa đề Minoritaire (có nghĩa là Thiểu Số), tập nhạc được phát hành vào năm 1982, là album thứ nhì của Jean Jacques Goldman. Gọi là album thứ nhì nhưng thật ra anh đã có 7 năm tay nghề. Trước khi khởi nghiệp hát solo, Jean Jacques Goldman từng là giọng ca chính của ban nhạc rock Tài Phong, do hai anh em nghệ sĩ gốc Việt sáng lập (Khanh Mai và Tài Sinh). Cả nhóm này ăn khách vào mùa hè năm 1975 với bản nhạc slow rock mang tựa đề Sister Jane, mang đậm ảnh hưởng của Lou Reed với ban nhạc Velvet Underground, nhiều hơn là bản nhạc Angie của Mick Jagger với nhóm The Rolling Stones. Về phần Jean Jacques Goldman, tập nhạc solo thứ nhì của anh dày đặc chất pop rock, tiết tấu sôi động lôi cuốn, nhịp điệu rắn chắc vững vàng. Đa số các bản nhạc có khúc dạo đàn bằng ghi ta điện, thổi một luồng gió mới vào trong ca từ, khoác cho album này một sắc thái trẻ trung hồn nhiên. Nhưng trong bộ sưu tập của những ca khúc nhạc rock gân cốt cứng cựa ấy, tiêu biểu nhất là hai nhạc phẩm Quand la musique est bonne (tạm dịch là Tiếng nhạc chân thành) và Au bout de mes rêves (Đến tận cùng giấc mơ), lại xuất hiện bài Comme Toi, một giai điệu trữ tình lãng mạn, nhưng nội dung ca từ không hề kể chuyện đôi lứa nồng nàn, mà lại nói về tình người miên man, tha thiết ngập tràn.
Theo lời kể của chính tác giả Jean Jacques Goldman, anh đã viết bài này cho đứa con gái đầu lòng (tên là Caroline). Cũng cần biết rằng, Jean Jacques Goldman lớn lên trong một gia đình người gốc Do Thái. Thân mẫu của anh sinh trưởng tại Đức. Còn thân phụ là người gốc Ba Lan, từng tham gia kháng chiến chống Đức Quốc Xã. Thời còn nhỏ, Jean Jacques Goldman ít khi nào nghe song thân kể lại cái thời loạn lạc chinh chiến. Cho đến cái ngày anh được xem tập ảnh chụp lưu niệm của bố mẹ anh.
Những tấm hình hết sức bình thường, mà bao gia đình vẫn chụp mỗi khi có dịp tụ họp quây quần lại với nhau. Đối với Jean Jacques Goldman, những gương mặt trong các tấm ảnh, dù là bà con họ hàng, nhưng vẫn hoàn toàn xa lạ, có người đã qua đời, người thì còn kẹt lại ở Ba Lan. Nhưng điều làm cho anh bất ngờ nhất là nhiều tấm hình lưu niệm có đánh dấu ở phía dưới. Hỏi ra anh mới biết là những người này đã mất tích hay đã chết trong các trại tập trung.
Bàng hoàng xúc động, Jean Jacques Goldman mới đặt bút viết thành bản nhạc Comme Toi. Trong đó, anh kể lại câu chuyện của một cô bé người Ba Lan 8 tuổi tên là Sarah, lớn lên trong tình thương của cha mẹ, đi học ở trường làng, thích đọc chuyện cổ tích thần tiên, mê tiếng đàn dương cầm cổ điển. Thế nhưng, hạnh phúc tuổi thơ, mái ấm gia đình đột ngột nát tan, khi chiến tranh ập đến. Giấc mơ được một cuộc sống bình thường của cô bé Sarah chẳng bao giờ thành hiện thực.
Với lối mô tả chi tiết, Jean Jacques Goldman viết nhạc phẩm Comme Toi như thể đang lật từng trang quyển album lưu niệm. Bài hát phác họa một khung ảnh chụp, chọn bối cảnh thời xưa để nói về thời nay. Nội dung bản nhạc là một lời nhắn nhủ của tác giả với đứa con gái đầu lòng, nhắc nhở mỗi con người sống yên ổn thời bình đừng bao giờ quên đi những mất mát hy sinh của bao thân phận lạc loài trong thời chiến.
Vì thế cho nên bản nhạc Comme Toi phải được dịch là Cũng như con. Bởi vì cũng như con, Sarah đang gối yên giấc mộng, tâm hồn trẻ thơ đầy khát vọng bềnh bồng. Nhưng rồi dòng đời lặng yên lại phong ba nổi sóng. Khác hay chăng là Sarah sẽ chẳng bao giờ được đến tuổi xuân nồng.
Tình khúc Comme Toi, sau khi ăn khách trong tiếng Pháp, lại càng được phổ biến hơn khi được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Cũng như nhạc phẩm Imagine của John Lennon, (cho dù tầm vóc của bài Comme Toi không thể lớn bằng Imagine) bài hát của Jean Jacques Goldman có cả lời Do Thái và Ả rập. Bản nhạc mang tựa đề Como Tu trong tiếng Tây Ban Nha, Come Te trong tiếng Ý.
Phiên bản tiếng Hoa là do ca sĩ người Đài Loan Terry Lin đặt lời và thể hiện. Trong tiếng Anh bài hát này được dịch thành hai lời là As You Are và Calling You, phiên bản ăn khách là của Grace Deeb, ca sĩ người Liban. Còn trong tiếng Việt, bài Comme Toi cũng có hai lời khác hẳn nhau Về chốn Thiên đường và Hãy đến với Em, do khá nhiều ca sĩ trong nước cũng như hải ngoại thể hiện từ Thu Phương đến Quang Dũng, từ Ngọc Lan đến Thanh Trúc.
Bài hát Comme Toi là một trong những sáng tác đầu tay của Jean Jacques Goldman, nơi mà thể hiện cho sự truyền đạt tiếp nối, ghi lại lời kể của song thân để rồi truyền lại cho con gái đầu lòng. Qua đó, anh cũng bày tỏ sự gắn bó với nguồn cội, với đất mẹ quê cha, qua khúc dạo đàn vĩ cầm mang nhiều âm hưởng Đông Âu, điều mà anh có nhắc đến trong các album kế tiếp.
Xét trên nhiều phương diện, album thứ nhì của Jean Jacques Goldman, về nội dung đề cập đến sự truyền nối, nhưng về hình thức lại đoạn tuyệt với dòng nhạc những năm 1970, kể cả phong cách và sáng tác. Trong sáng tác, do rất ngưỡng mộ danh ca Léo Ferré, cho nên Jean Jacques Goldman gợi hứng từ tác giả bậc thầy cách dùng danh từ riêng để làm giàu vần điệu, nhưng thường hoán chuyển vị trí, đảo ngược ca từ, đan xen nghĩa đen với nghĩa bóng để tạo ra cách kết hợp hình tượng bất ngờ.
Chẳng hạn như trong nhạc phẩm C’est Extra, Léo Ferré dùng những chữ Moody Blues và Nuit Satin tức là Night in White Satin để nhân gấp đôi cách dùng ẩn dụ. Còn Jean Jacques Goldman trong nhạc phẩm Quand la Musique est bonne thì dùng chữ đàn Gibson và Tobacco’s Road để chỉ định tiếng đàn của người nô lệ da đen, nhức nhối nhưng không bao giờ biết giả dối. 
Về phong cách, Jean Jacques Goldman xây dựng hình ảnh của một nghệ sĩ bình dị chân phương, tức là đi ngược lại với sự hào nhoàng lộng lẫy của các ngôi sao dòng nhạc nhẹ của Pháp những năm 1970. Không phải ngẫu nhiên mà anh đặt tựa cho album đầu tay là Démodé có nghĩa là Lỗi thời, và tựa album thứ nhì là Minoritaire – Thiểu số. Cả hai tựa đề này đều bị các nhà sản xuất gạt bỏ, cho nên hai album đầu tiên của anh khi được phát hành thường không có tựa. Theo quan niệm của giới sản xuất, rất khó thể nào mà quảng cáo tiếp thị hình ảnh của một nghệ sĩ không muốn làm siêu sao.
Có người từng so sánh cách viết nhạc của Jean Jacques Goldman như là một người chuyên làm phóng sự truyền hình. Sở trường của tác giả này là quan sát những mảnh đời thường, để rồi dùng câu chuyện của những con người tầm thường ấy để vẽ lên bức tranh xã hội : từ hoàn cảnh của người đàn bà neo đơn vừa đi làm vừa lo cho con trong bài Elle a fait un bébé toute seule, cho đến cảnh tượng một bà cụ đơn độc tuổi già trong bài La vie par procuration.
Bà cụ suốt ngày không có ai đến thăm viếng, nên để giành bánh mì khô vụn để làm bạn với bầy chim sẻ, với đàn bồ câu, biết đâu chừng thú vật còn biết ơn nghĩa hơn là con người. Vì doanh thu lợi nhuận mà các nhà sản xuất lại chóng quên rằng : Từ những câu chuyện cá nhân, tác giả lại dễ đạt đến tầm phổ quát. Gợi hứng từ những vách đời lẻ loi trơ trụi, điệu ru thoáng bay phút chốc ngậm ngùi, lời ca mới nghe đã thấm lòng người.  
Nguồn: RFI

1 nhận xét:

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.