(Tặng 2h)
Nguồn ảnh: Internet |
“Buồn ơi, chào mi” (Bonjour Tristesse) là tựa đề cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Francoise Sagan.
Cuốn sách kể về cuộc sống phóng khoáng tự do của một cô gái mười bảy tuổi với chút nỗi buồn khi trở thành người lớn. Nỗi buồn đầu đời chỉ là khởi đầu của chặng đường với biết bao phiền muộn trăn trở. Khi chạm tay vào nỗi buồn, cô đã cất tiếng chào một người bạn mới, một người bạn sẽ đồng hành trong suốt quãng đường đời.
Nhiều người lầm tưởng bài hát "Buồn ơi, chào mi!" là một bản nhạc Pháp được dịch lời Việt. Nhưng có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chỉ mượn tựa cuốn sách trên cho bản nhạc này. Cũng lạ, bài hát về nỗi buồn mà nghe nhẹ nhàng, trong trẻo làm sao, từ giai điệu đến ca từ. Đón nhận cái buồn một cách thanh thản. Đón nhận sự chia ly một cách nhẹ tênh. Không nước mắt, mà dường như đâu đó còn phảng phất một nụ cười… rất nhẹ…
Buồn ơi ta xin chào mi khi người yêu ta đã bỏ ta đi
Buồn ơi ta xin chào mi khi tình yêu chắp cánh bay đi…
Buồn - vui là hai cực cảm xúc luôn luôn tồn tại ở mỗi con người. Không có ai suốt cuộc đời chỉ thấy toàn là niềm vui, và ngược lại. Dù là người có hạnh phúc viên mãn nhất chắc chắn cũng có những giây phút mà nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn. Buồn, không hẳn có một biến cố cụ thể tác động thì con người mới buồn. Đâu chỉ có tình yêu làm ta buồn, đâu chỉ có công việc làm ta buồn. Đôi khi một vài hình ảnh gợi nhớ về ký ức cũng làm ta xốn xang, đôi khi nghe một bản nhạc hay cũng làm ta rưng rưng. Mà lắm lúc ta buồn cũng chẳng hiểu vì lý do gì nữa, buồn một cách rất chi là vô lý, như Xuân Diệu đã từng nói: “Hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn…”
Cuộc sống không thể thiếu niềm vui, mà cũng không thể vắng nỗi buồn. Buồn để khi vui ta cảm nhận được niềm vui một cách trọn vẹn hơn. Nếu đã coi buồn như một người bạn, để có thể cất lên một lời chào kèm theo một cái vẫy tay "Buồn ơi, ta xin chào mi!" thì thấy nỗi buồn không còn gì đáng sợ nữa. Vui, tất nhiên ai cũng mong được là bạn lâu dài, thì buồn cũng là một người bạn vong niên, sóng bước theo ta trên quãng đường dài đằng đẵng. Hãy sống hòa thuận với cả vui lẫn buồn, xem niềm vui - nỗi buồn là gia vị của cuộc đời chứ đừng để nỗi buồn níu bước.
“Buồn ơi, ta xin chào mi…” Nhưng không phải lời chào đón khách đến nhà mà là lời chào người bạn gặp ngang qua đường thôi nhé. Riêng tôi thì tôi không xem buồn là khách, cũng không phải là người bạn chỉ gặp ngang qua đường. Mà là một người đồng hành. Khi ta vui thì bạn đi chơi. Khi ta buồn thì bạn lại trở về, để ta gởi bạn một lời chào tái ngộ…
Cảm ơn bạn.Mình vừa được thưởng thức giai điệu buồn trong sự lâng lăng của tình bạn và sự thấu hiểu.
Trả lờiXóa