(Nguồn: tuanvietnam)
Giao hưởng số 9 được các nhạc công kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của khán thính giả khi mà Beethoven vẫn đang chỉ huy một vài ô nhịp nữa trong tổng phổ. Vì thế ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger phải bước tới bên Beethoven và xoay người ông lại để ông có thể nhìn thấy khán thính giả đang tung hô mình. Công chúng thành Vienna đã đón nhận vị anh hùng với lòng tôn kính và cảm phục sâu sắc nhất.
Ludwig van Beethoven
Symphony No 9
in D minor, Op 125 "Choral"
1 Allegro ma non troppo, un poco maestoso
2 Scherzo. Molto vivace - Presto
3 Adagio molto e cantabile
4 Presto - Allegro ma non troppo
Annette Dasch, soprano
Mihoko Fujimura, contralto
Piotr Beczala, tenor
Georg Zeppenfeld, bass
Vienna Singverein
Vienna Philharmonic Orchestra
Christian Thielemann, conductor
Vào ngày 7/5/1824, Ludwig van Beethoven đã nếm trải thắng lợi chắc chắn là vang dội nhất của mình trước công chúng. Khán thính giả nhà hát Kärntnertor tại Vienna không chỉ được nghe Overture Die Weihe des Hauses Op. 124 và 3 phần của Missa Solemnis Op. 123 mà đây còn là buổi công diễn lần đầu bản giao hưởng hợp xướng bất hủ của Beethoven.
Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, Op. 125 bắt nguồn từ hai tác phẩm riêng biệt - một bản giao hưởng với chương kết có hợp xướng và một tác phẩm khí nhạc thuần túy giọng Rê thứ. Beethoven đã làm việc với chúng trong gần 10 năm trước khi quyết định kết hợp hai ý tưởng lại thành một bản giao hưởng với lời thơ An die Freude (Tụng ca niềm vui) của Schiller như là chương kết.
Đây là một tác phẩm quy mô và có tầm nhìn xa trông rộng, là biểu trưng cho tột đỉnh của độ khó kỹ thuật vào thời đó. Tác phẩm có các đoạn, nhất là đoạn solo kèn co trong chương chậm, dường như không thể chơi được trên các nhạc cụ đồng không có van truyền thống vào thời của Beethoven.
Nhà âm nhạc học Dennis Matthews nhận xét về Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven: "Như với các tác phẩm thời kỳ cuối, có các chỗ mà không gian phải rung lên dưới sức nặng của tư tưởng và tình cảm, nơi mà nhà soạn nhạc khiếm thính dường như chiến đấu chống lại hoặc vươn ra ngoài các giới hạn của nhạc cụ và giọng ca."
Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ cũng là hiện thân của tính nhị nguyên trong âm nhạc đã trở thành cuộc xung đột ở thế kỉ XIX giữa chủ nghĩa Cổ điển và chủ nghĩa Lãng mạn, giữa cái cũ và cái mới. Các phong cách hoàn toàn khác nhau, như phong cách của Brahms và của Liszt, đều tìm thấy các tiền lệ của chúng trong tác phẩm này.
Ba chương đầu của tác phẩm rõ ràng vẫn còn cắm rễ vào thế kỉ XVIII trong khi chương thứ tư - hân hoan và thấm nhuần ý nghĩa thi ca - dường như đập tan khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa Cổ điển, đưa toàn bộ tác phẩm vào trong lãnh địa của âm nhạc chương trình, một khái niệm được xác nhận của chủ nghĩa Lãng mạn thế kỉ XIX.
Chẳng thế mà trong cuộc luận chiến âm nhạc thế kỉ XIX giữa phe ủng hộ âm nhạc chương trình và phe ủng hộ âm nhạc tuyệt đối (còn gọi là âm nhạc thuần túy), chương hợp xướng trong Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven được cả hai phe đem ra làm bằng chứng cho luận cứ của mình.
Những nhà chủ nghĩa hình thức cự tuyệt các thể loại như opera, ca khúc nghệ thuật, thơ giao hưởng vì chúng bộc lộ ý nghĩa rõ ràng. Với họ, chương nhạc này cũng như Giao hưởng số 6 của Beethoven là "có vấn đề" mặc dù họ vẫn coi Beethoven là một trong những nhà tiên phong của âm nhạc thuần túy (đặc biệt là với các bản tứ tấu đàn dây thời kỳ cuối).
Còn ở phe ủng hộ âm nhạc chương trình, Richard Wagner coi chương hợp xướng trong bản Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven là một minh chứng cho thấy âm nhạc sẽ hay hơn nếu có lời ca bằng câu nói nổi tiếng: "Nơi âm nhạc không thể đi xa hơn nữa, thì lời ca sẽ tới… Lời ca đứng cao hơn tiếng nhạc."
Bài thơ An die Freude, được thi hào Đức Friedrich von Schiller viết năm 1785, ngợi ca lý tưởng hòa hợp và tình huynh đề của toàn nhân loại. Một số nhà soạn nhạc đã phổ nhạc bài thơ này trong đó có Franz Schubert (soạn năm 1815, xuất bản năm 1829). Beethoven cũng đã ấp ủ dự định phổ nhạc bài thơ này trong nhiều năm.
Khi sáng tác chương IV của Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ Beethoven đã phải trăn trở rất nhiều để tìm cách bắt vào phần mở đầu đoạn tụng ca của Schiller. Ông viết đi viết lại đoạn đó nhiều lần cho đến khi nó thành hình dáng như chúng ta nghe thấy ngày hôm nay.
Người ta kể lại rằng mặc dù người chỉ huy chính thức của buổi hòa nhạc lịch sử ngày 7/5/1824 là Michael Umlauf - giám đốc âm nhạc của nhà hát Kärntnertor - nhưng Beethoven đã cùng chỉ huy với Umlauf. Do chứng kiến Beethoven thất bại trong việc chỉ huy buổi tổng duyệt vở opera Fidelio hai năm về trước nên ở buổi này Umlauf đã chỉ thị cho các nhạc công và ca sĩ lờ đi "sự chỉ huy" của nhà soạn nhạc đã hoàn toàn khiếm thính.
Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ được các nhạc công kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của khán thính giả khi mà Beethoven vẫn đang chỉ huy một vài ô nhịp nữa trong tổng phổ. Vì thế ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger phải bước tới bên Beethoven và xoay người ông lại để ông có thể nhìn thấy khán thính giả đang tung hô mình. Công chúng thành Vienna đã đón nhận vị anh hùng với lòng tôn kính và cảm phục sâu sắc nhất.
Ngày nay, Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ cũng như rất nhiều kiệt tác khác của Beethoven vẫn đang tiếp tục sứ mệnh nâng đỡ tinh thần nhân loại.
Ngọc Anh
Tác phẩm: TỤNG CA NIỀM VUI (Ode To Joy)
Trích từ Giao hưởng No. 9
Âm nhạc: Ludwig van Beethoven
Lời thơ: Friedrich von Schiller
Thể hiện: James Morris (giọng bass), Hợp xướng Westminster và Dàn nhạc Philadelphia
(Chỉ huy: Riccardo Muti)
Tụng ca niềm vui
Thơ: Friedrich von Schiller
*****
Anh em ơi hãy ngừng than thở!
Hãy cất tiếng ca hòa chung vui mừng thành kính lên trời!
Anh em ơi! Anh em ơi! (*)
Niềm vui, niềm vui, nữ thần miền cực lạc,
Ánh chớp sáng ở cửa thiên đàng,
Ta say sưa bước vào điện thánh huy hoàng
Là nơi chốn quyến rũ mê hồn,
Khi những lề thói vô bổ chẳng còn tồn tại,
Người với người là anh em bè bạn (*)
Để đôi cánh niềm vui dẫn lối chỉ đường.
Nếu tình bằng hữu tràn ngập tâm hồn,
Nếu bạn có người vợ yêu thương, chung thủy,
Hay bạn yêu một người thôi dù ngắn ngủi,
Hãy tới đây cùng hát tụng ca!
Còn ai chẳng hề yêu, đang than khóc hãy tránh xa!
Uống đi này niềm vui từ quả, hoa
Quà thiên nhiên phần cho tất cả
Đắng chát và thơm thảo;
Thiên nhiên tặng những bạn hữu trung thành
Những nụ hôn bỏng cháy, những trái nho ngon lành
Ngay cả những con sâu cũng thú,
Và thiên sứ nơi thiêng liêng canh giữ!
Như nắng vàng rực rỡ ở không trung,
Bay theo đường ta anh em ơi
Qua bầu trời huy hoàng, vui sướng;
Như những anh hùng đi chiến đấu
Để dành lấy vinh quang.
Triệu triệu anh em hãy siết chặt vòng tay!
Nụ hôn này dành cho tất cả!
Anh em ơi, hẳn trên trời thăm thẳm
Ngự trị một người cha nhân từ.
Anh em ta có cúi lạy Người?
Đấng sáng tạo mình, thế gian có biết?
Vậy nơi thiên đàng trên những vì tinh tú
Ta hãy kiếm tìm Người!
*****
Chú thích (*): các câu in nghiêng là do Beethoven viết thêm vào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.