"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm."
Từ bốn câu thơ nổi tiếng của Lê Bá Dương, nhạc sĩ Lê An Tuyên đã viết ca khúc
DÒNG SÔNG TUỔI HAI MƯƠI
Nhạc: Lê An Tuyên
Lời: Lê Bá Dương - Lê An Tuyên
Thể hiện: Xuân Huyền
Thể hiện: Đăng Thuật
Phối khí: Phan Cường
(*) Lê Bá Dương (sinh ngày 10 tháng 4 năm 1953), còn có các bút danh Tư Lê, Lý Quảng Trịnh, Triệu Gio Cam, là chiến sĩ quân giải phóng tại thành cổ Quảng Trị và hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên thường trú của báo Văn hóa tại Nha Trang.
Là tác giả bài thơ 4 câu nổi tiếng mang tên Lời gọi bên sông (còn được biết đến với tên gọi Đò xuôi Thạch Hãn), Lê Bá Dương cũng là người đã khởi xướng nên phong trào kết bè thả hoa thường niên trên dòng sông Thạch Hãn vào ngày 27 tháng 7 để tưởng niệm vong linh đồng đội, những người đã ngã xuống mảnh đất Quảng Trị trong cuộc chiến khốc liệt của Mùa hè đỏ lửa.
Tác giả bài hát, nhạc sĩ Lê An Tuyên, đã viết về bốn câu thơ của anh:
“…những người hi sinh ở Thành cổ, ở dòng sông Thạch Hãn lại chủ yếu là những người lính trẻ. Hồi đó những người lính là những thanh niên mới lớn, mới rời ghế nhà trường, ít kinh nghiệm trận mạc. Nhất là lớp thanh niên người Hà Nội. Sau mấy đợt huấn luyện vội vã cho tân binh là họ được tung vào ngay chiến trận. Người lính mang theo một chút lãng mạn xứ Đông - Đoài, một chút hoài bão tuổi trẻ, muốn kết thúc nhanh chiến tranh để trở về quê hương. Thế mà họ lại vĩnh viễn ở lại, hóa mình vào đất, vào nước ở nơi này.
Tiếng súng chiến tranh đã câm lặng tự hồi nào, năm tháng trôi qua, cỏ cây đã mọc xanh trên vách tường Thành cổ Quảng Trị, dòng nước sông Thạch Hãn trở lại trong xanh và vô tình lững lờ trôi như dòng thời gian. Vết tích chiến tranh được cỏ cây và thời gian xóa nhòa dần. Cũng như con đò hối hả ngược xuôi trên sông nước, trên dòng chảy hối hả, gấp gáp của dòng đời, con người phải bận rộn sống với hiện tại và hướng tới tương lai, nhiều lúc ký ức về chiến tranh cũng nhạt dần theo năm tháng.
Nhưng có nhiều người không thể nào quên được ký ức về Thành cổ, về dòng sông Thạch Hãn. Dòng sông Thạch Hãn chảy trên đất Quảng Trị và hình như ứa chảy mãi từ trái tim họ. Họ sống với nỗi đau thương về đồng đội, về bạn bè lứa tuổi đôi mươi. Một trong những người đó là người chiến sĩ nhà báo Lê Bá Dương. Người chiến sĩ Lê Bá Dương may mắn hơn rất nhiều đồng đội của mình. Anh sống sót qua trận chiến, tuy rằng trên thân thể cũng đầy các vết thương tích. Nhưng ký ức về Thành cổ Quảng Trị, về dòng sông Thạch Hãn luôn đè nặng lên trái tim anh. Anh day dứt về những đồng đội một thời trận mạc đã nằm lại nơi đầu sông, cuối rừng, với phần lớn thân xác không còn vẹn nguyên. Dằng dặc những năm sau cuộc chiến, liệu những gia đình có con em hi sinh trong chiến tranh nơi ấy đã tìm thấy chút di hài của người thân mình? Đất chiến trường xưa vẫn ủ nóng di hài đồng đội, hay dòng sông, con suối vẫn còn ôm ấp, giữ lại trong lòng mình kí ức đau thương của con người? Anh luôn bị ám ảnh bởi những câu hỏi đó. Cái mà người ta cũng có thể gọi là Hội chứng của chiến tranh.
Tôi thích vô ngần câu thơ của anh:
" Đò lên Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm"
Thế đấy! Cuộc sống hàng ngày của mỗi con người ở dải đất miền Trung đơn giản mộc mạc như con đò trôi trên dòng Thạch Hãn, đấy là dòng đời, dòng sông thời gian. Tác giả ví von cuộc sống như con đò, chứ không phải con thuyền. Vì hàng ngày con người miền Trung vẫn dùng sức mình đẩy con đò đi. Khi đò dọc, lúc đò ngang. Nơi nông - khó khăn thì dùng sào chống, đẩy. Nơi nước sâu - thuận dòng thì dùng mái chèo. Có nghĩa là sự vươn lên trong cuộc sống vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động của mình. Cuộc đời của người miền Trung chưa phải là con thuyền căng buồm dựa vào gió lộng. Sự vận động nhẹ nhàng đó thế mà cũng khua động đến ký ức của cuộc đời lưu giữ trong dòng sông Thạch Hãn. Lê Bá Dương sử dụng chi tiết này vô cùng đắt giá. Đắt ngay cả từng từ còn đó bạn tôi nằm. Vâng đáy sông vẫn và mãi mãi hiện hữu bạn bè đồng đội nằm trong miền ký ức chứ không phải là mất, là khuất núi theo nghĩa tử trần trụi. Bởi vậy, anh cứ sẽ sàng nhắc những ai qua lại, ngược xuôi dòng sông Thạch Hãn dẫu có vô tình hững hờ quên thì anh sẽ nhắc: hãy gượng nhẹ mái chèo, bởi đáy sông còn đó những người còn nằm dưới lòng sông. Nào có ai dám quên đâu. Chỉ có điều là không muốn nói đến thôi. Nhưng lời anh nhắc đã làm cho sự hoài cảm về quá khứ quay lại. Đau đáu, tiếc thương về sự tổn thất vô bờ bến, những người bạn của anh ở lứa tuổi thanh xuân ngã xuống trong chiến tranh. Người được nhắc, có nghĩa là người đọc bài thơ, biết thế thôi. Nỗi đau khôn nguôi và lặng lẽ giữ nó lại trong lòng mình, không dám bộc bạch cùng ai.
Với hai câu thơ kết giàu biểu cảm:
"Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
Lê Bá Dương đã thổ lộ hộ tâm tình của chúng ta rằng, cái bờ ở đây đã lớn hơn, rộng hơn hẳn cái bờ bị khuôn hẹp của một dòng sông hiện hữu. Nó là cỏ cây, là bờ cát trắng, nó là dòng chảy của con sông Thạch Hãn đã hóa vào dòng chảy tâm linh dạt dào sóng nước tuổi hai mươi. Mãi mãi nỗi mất mát của một thời đại bi hùng quá khứ ấy, không và mãi mãi không bị lãng quên. Rằng với những người đã khuất. Họ vẫn ở lại với chúng ta, họ đồng hành với chúng ta và họ vĩnh hằng tươi trẻ với lứa tuổi Hai mươi.
Đã 35 năm ngày hai miền Nam- Bắc sum họp, người lính từ chiến tranh trở về với mái nhà của mình rất lâu rồi, mái tóc xanh năm xưa của người lính cũng đã hoa râm. Tiếng súng nổ chiến tranh cũng đã lùi vào dĩ vãng. Thời gian trôi đi và lặng lẽ bỏ lại rất nhiều trong quá khứ. Nhưng nỗi đau mất mát về những con người trẻ tuổi vẫn còn đó, chừng nào chúng ta còn khoắc khoải nhớ tới họ. Nỗi tiếc thương về những con người trẻ tuổi bất tử đó đã vĩnh viễn hóa thân vào bài thơ LỜI GỌI BÊN SÔNG - Một bài thơ với tôi không chỉ nổi tiếng thời đại, mà hơn thế, nó còn là một bài thơ có giá trị đánh thức mọi thời đại của Lê Bá Dương.”
Lê An Tuyên - Jena, CHLB Đức
(Bài đăng sử dụng tư liệu từ blog Lê Bá Dương)
@ A 3chai: Em đã nghe anh hát bài này trên Yahoo Plus nhưng không mang được về GAN.
Trả lờiXóa