Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Solenzara

         Khi nào Thu cũng mê bài hát này, cho dù nghe hòa tấu, độc tấu guitar, mandolin, accordeon, nghe hát bằng tiếng Phát, tiếng Ý hay tiếng Việt với giọng ca mềm, mượt như nhung của nữ ca sĩ Ngọc Lan. 
         Hôm nay chia sẻ với bạn yêu nhạc một số bản mà Thu thích và bài viết của Tuấn Thảo trên trang RFI Tiếng Việt. 


Solenzara nào có Nắng Xuân

         Có những địa danh đi vào huyền thoại nhờ vào bản nhạc, bài ca. Có những thắng cảnh vương vấn tâm hồn một khi đã qua. Syracuse ở Sicilia mê hoặc thấm mềm con tim sắt đá, Capri của Ý say đắm trọn đời tiếng vọng tình ca. Còn Solenzara tại Pháp xao xuyến nỗi niềm lòng người đi xa.
         Nằm trên Bờ biển Xà Cừ (Côte de Nacre), thành phố Solenzara được liệt vào hàng danh lam thắng cảnh của đảo Corse, ở ngoài khơi miền nam nước Pháp. Tuy chưa từng đặt chân đến nhưng nhiều du khách trên thế giới đều từng nghe nhắc tới địa danh nhờ vào một bài hát ăn khách vào năm 1967.

         Người đầu tiên ghi âm bài này trong tiếng Pháp là ca sĩ Enrico Macias. Ca khúc của anh tuy rất nổi tiếng trên thế giới nhưng lại không phải là phiên bản chính gốc. Trong nguyên tác, đây là một bài ca của đảo Corse, do nhạc sĩ Dominique Marfisi sáng tác vào năm 1961, tức cách đây vừa đúng nửa thế kỷ.
         Sinh trưởng tại Oletta, một ngôi làng ở miền núi hẻo lánh, tác giả Dominique Marfisi (sinh năm 1902 - mất năm 1973) rời đảo Corse đến Pháp lập nghiệp năm ông 18 tuổi. Thời còn nhỏ, ông đã có năng khiếu âm nhạc, học đàn piano với thầy là Michel Costa, một giáo sư trường quốc gia âm nhạc đã về hưu. Tuy giỏi sáng tác, nhưng đối với Dominique Marfisi, công việc soạn nhạc chỉ là một nghề tay trái vì trong hơn 35 năm liền ông làm việc cho Cơ quan kiểm lâm. 

Solenzara: bản ngợi ca tình quê hương
         Do xa quê mẹ từ lúc ông mới trưởng thành, cho nên sáng tác của ông gắn liền với đảo Corse. Chủ đề ưng ý của tác giả này trước sau vẫn là tình quê hương. Vào năm 1965, ông từng đoạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác của thành phố Nice nhờ một tập thơ song ngữ viết bằng tiếng Corse lẫn tiếng Pháp.
         Về mặt ca khúc, số lượng bài hát do ông sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ khá nhiều, trong đó có các bài như Sirinata (Dạ khúc) hay U Mio Mulinu (Cối xay đầu làng). Nhưng bản nhạc Solenzara vẫn nổi tiếng hơn cả do đã được chuyển dịch sang hàng chục thứ tiếng khác nhau.
         Vào năm 1961, tác giả Dominique Marfisi đến tuổi về hưu, dọn nhà về sống luôn trên đảo Corse. Nhân một buổi ăn mừng sinh nhật của một người bạn tại Solenzara, ông tổ chức một bữa tiệc tại quán nhạc Mare e Festa. Cả nhóm bạn rủ nhau đi du thuyền trước giờ ăn tối.
         Thuyền vừa ra khơi lúc mặt trời bắt đầu lặn, ánh nắng chiều tà phủ ánh ngân quang, ngả bạc màu sóng biển. Ngoảnh mặt lại nhìn đằng sau lưng khung cảnh nên thơ của một ngôi làng trải khắp chân đồi, ông mới thốt lên câu nói: "Không tìm thấy nơi nào đẹp bằng Solenzara." (A Solenzara, piu bella un si po sta). Cũng từ giai thoại này mà ông chấp bút viết thành bản nhạc nổi tiếng cùng tên.
         Trong vòng nhiều năm, Solenzara là một ca khúc rất thịnh hành trên đảo Corse nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Mãi đến năm 1967, bản nhạc này mới lọt vào tai của ca sĩ Enrico Macias. Do rất thích giai điệu của bài hát, nên anh mới nhờ người khác chuyển dịch lời ca sang tiếng Pháp.

Điệu ru trên vành nôi Địa Trung Hải
         Phiên bản do Enrico Macias ghi âm trở thành một trong những tình khúc ăn khách nhất mùa hè năm 1967. Trong nguyên tác, bản nhạc được đánh bằng một bộ đàn dây, nhưng rõ nét nhất vẫn là đàn mandolin. Khi chuyển thể, bài hát chủ yếu dùng đàn ghita, thông dụng hơn nên càng dễ trở nên phổ biến.
         Chỉ một năm sau, nhạc phẩm Solenzara trở thành điệu ru của vành nôi Địa Trung Hải, khi bài ca được đặt thêm lời tiếng Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Cuối những năm 1960, bản nhạc có cả lời tiếng Đức, Hà Lan rồi Đan Mạch. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là phiên bản tiếng Ả rập, Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ba Tư (tiếng farsi của người Iran).
         Một khi du nhập qua các nước này, bài Solenzara do là tên riêng, cho nên biểu tượng của tình quê hương thông qua một địa danh không còn được giữ lại. Phần hòa âm cũng ít dùng ghita và lại nhấn mạnh với bộ gõ. Trội nhất là phiên bản của Vigen (Barge Khazan), ca sĩ người Iran, còn được mệnh danh là ông hoàng nhạc nhẹ phương Đông.
         Có một điều rất lạ là mãi đến năm 1993, tức là hơn ba thập niên sau ngày ra đời, bài hát Solenzara mới được đặt lời tiếng Anh, để trở thành bản nhạc In the Death Car. Lạ lùng hơn nữa, đây là một phiên bản hoàn toàn phá cách do ca sĩ nhạc rock Iggy Pop ghi âm với ban nhạc Goran Bregovic.
         Đây là ca khúc chủ đề của bộ phim Arizona Dream của đạo diễn Emir Kusturica từng đoạt giải Gấu Bạc tại liên hoan phim Berlin. Được chuyển đổi theo một nhịp điệu gần giống với reggae, bài hát lại đượm thêm hơi hướng của các bài dân ca du mục. Thành thử ra, thoạt nghe lần đầu, nhiều người nhận thấy là bài ca rất quen thuộc nhưng không nhớ rõ là bài nào.

Khoác thêm lời Việt cho giai điệu đẹp
         Riêng tại châu Á, Solenzara cũng như bài Tombe la Neige (Tuyết Rơi) của Adamo nằm trong số những ca khúc Pháp đầu tiên được đặt lời tiếng Nhật, ban đầu không phải là để cho người Nhật hát mà chủ yếu vì các ca sĩ Pháp thời đó đều có cái mốt ghi âm một phiên bản tiếng Nhật từ những ca khúc nổi tiếng của họ, hầu chinh phục dễ dàng hơn thị trường Nhật Bản. Cũng từ xứ hoa anh đào mà nhiều ca khúc tiếng Pháp du nhập Đài Loan, Hồng Kông hay Hàn Quốc.
         Còn tại Việt Nam, bài Solenzara được tác giả Phạm Duy ‘‘chuyển ngữ’’ từ tiếng Pháp thành nhạc phẩm "Nắng Xuân". Gọi là chuyển ngữ chứ không phải là chuyển dịch vì thật ra lời tiếng Việt không ăn nhập gì với phiên bản tiếng Pháp và càng xa hơn nữa với nguyên tác viết bằng tiếng Corse. Tình quê hương ban đầu đã nhường chỗ lại cho tình yêu đôi lứa và đổi hẳn luôn nhân vật cũng như bối cảnh câu chuyện.
         Cũng như trường hợp của bài "Lạc mất mùa xuân" (lời Việt của tác giả Lữ Liên đặt theo bài Le Géant de papier), các tác giả Việt Nam mượn một giai điệu đẹp của làng nhạc nước ngoài, để rồi khoác thêm áo mới cho hợp với phong cách và gần gủi với thị hiếu của người nghe nhạc Việt.
         Suy cho cùng, Solenzara qua việc ngợi ca phong cảnh tuyệt đẹp của một địa danh, trong mắt của tác giả lại trở thành biểu tượng của tình hoài hương. Bài ca nói lên tất cả những thổn thức rung động của một chàng trai mới lớn khi phải lìa xa mái ấm gia đình, chia tay mối tình đầu đời, khung trời hạnh phúc tuổi thơ. Nhưng do được viết bởi một tác giả đến tuổi về chiều, Solenzara còn là một giai điệu hoài niệm lưu luyến, tiết tấu nặng lòng kẻ đi xa dù vẫn nhẹ nhàng xao xuyến. Tuổi thơ càng ngập tràn kỷ niệm, tuổi cao càng nhức nhối nỗi niềm.
Tuấn Thảo

"Nơi bãi biển định mệnh
Chốn lần đầu đôi mình gặp gỡ
Chàng ngư dân trẻ ôm cây đàn guitare
Cho tiếng hát cất lên giữa đêm hè oi ả
Khúc tình ca ngọt ngào êm dịu
Và cũng trên bờ biển Solenzara ấy
Mình xoay vòng điệu vũ đêm từng đêm
Rồi đến ngày dáng hình em thiếu vắng
Tôi biết lòng đã ôm mối tương tư
Muốn bên em mãi, chẳng thể xa rời
Nơi chốn Solenzara
Chất chứa bao dấu yêu ngọt ngào
Và Solenzara
Không nơi đâu có thể sánh bằng...
Mỗi khi đắm chìm trong giai điệu ngày đó
Khúc ca cho ta bao hân hoan hạnh phúc
Và trái tim tôi hiểu rằng đêm ấy
Những dấu yêu lòng ta thăng hoa
Giữa miền Solenzara rộng mở."
(Lời dịch: Leciel89 - Kitesvn)

NẮNG XUÂN
Lời Việt: Phạm Duy

Muốn thấy em như pha lê ngọc ngà
Sáng xanh như mây đông đầu làng
Để bao dung đôi tay mở ra
Để ta đã có em bên mình
Xoá tan đi những ngày bê tha.

Muốn thấy em như bông hoa rừng già
Đến với ta con ong đậm đà.
Tình đôi ta như trong mộng mơ,
Tình đã tới cất cao không ngờ,
Khiến cho ta quên hết bơ vơ.

Người hỡi hãy quay nhìn tôi,
Người đã thấy nắng xuân đang tươi.
Ta hãy yêu nhau trọn đời,
Kiếp nhân sinh ôi không dài.

Thấy nắng xuân trên môi em mặn nồng
Nắng lung linh trong nụ cười hồng.
Để bao dung đôi môi mở ra
Để ta đã có em trong lòng,
Những bước đi không còn mênh mông.

Hỡi nắng ơi soi tim ta đợi chờ.
Nắng chói sâu đêm đông mịt mờ
Tình đôi ta như trong mộng mơ,
Tình đã tới cất cao không ngờ
Khiến cho ta quên hết bơ vơ. 

*********
Bài "Lạc mất mùa xuân" đăng trên GAN ngày 26/2/2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.