Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Khi yêu thương được trao

“Môi tím chân trần” của tác giả Trần Bắc Hải
- Gói cái tình gửi trẻ em miền biên cương
Thanh Tân
ANVN32 (12/2013)
Môi tím chân trần” là nét tả thực về những hình hài bé nhỏ, mong manh giữa mùa đông Tây Bắc, mà thoạt nghe, tôi cứ ngỡ Trần Bắc Hải đang vẽ lên thế giới âm nhạc những vệt liên tưởng, đến một bóng hồng hoang dại, ám ảnh. Lấy cảm hứng từ hình ảnh chân thực đó, album “Môi tím chân trần” ra đời với mục đích ủng hộ dự án Cơm có thịt, dự án hỗ trợ bữa ăn cho trẻ em vùng biên giới phía Bắc.


Ý tưởng này của Trần Bắc Hải, cộng với tâm ý và sáng tạo của anh đã nhận được sự đồng vọng của nhiều người, gồm ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ và các nhà hảo tâm. Vậy nên, “Môi tím chân trần”, từ nay sẽ là tên gọi của một món quà âm nhạc đến từ tinh thần thiện nguyện.
Đặt tựa là “Môi tím chân trần”, tác giả như đang thực hiện một phép hoán dụ, mà 12 ca khúc trong album này sẽ đi ngược lại lộ trình, để bóc tách, mở ra không gian đã được hàm ngụ.



Người ta vẫn tả hương, tả hoa, tả chim bay bướm lượn, đều là để vẽ lên rõ ràng nhất, gần - đúng nhất một khu vườn. Phải chăng, trẻ con Tây Bắc, tình yêu Tây Bắc, những chàng trai và những nàng sơn nữ, hay những điều gì khác nữa có thể liệt kê trong album mà tôi chưa kịp ghi nhận, hẳn không phải là điều cuối cùng mà tác giả muốn diễn đạt. Có lẽ, anh đang nỗ lực diễn đạt một điều gì đó khó nắm bắt hơn, được cộng hưởng từ tất cả những chi tiết ấy, cái điều đã khơi gợi mỹ cảm, và cả lòng trắc ẩn nơi anh. Dẫu vậy, mỗi chi tiết trong bức tranh ấy, bản thân nó đã là một câu chuyện, mà 12 ca khúc trong album lần lượt hát về.

Đầu tiên là những tinh khôi, hoang dại được di dưỡng giữa núi rừng, mà trẻ em nơi này chính là biểu tượng. Nổi bật như hình ảnh trung tâm của cả album, là hình ảnh “em tôi”, môi tím chân trần, trơ trọi giữa cái lạnh buốt tận xương tủy của mùa đông Tây Bắc.
“Gió thổi môi tím.
Ruộng bậc thang lên trời.
Đi tìm con chữ.
Em tôi chân trần”.
Trần Bắc Hải đã tạo nên một thế tương phản, giữa đứa trẻ vô danh, chân trần, môi tím, với giá lạnh, hiểm nghèo của thiên nhiên hoang dã – một hình ảnh mong manh, thuần khiết nhất đối diện với cái bất trắc, khôn lường. Giữa cái tái tê thân phận ấy, mà tôi lại hình dung thấy ở hình hài bé con này một vẻ mặt an lành. Có lẽ, đó là niềm an lành của một con người còn quá hoang dại để nhận thức được bể dâu, hoặc, niềm an lành tôi nhìn thấy vốn được nối dài từ cái vẻ lạc quan, rắn rỏi trong lời tự bạch:
“Con trai Pa Dí, 
uống nước nguồn trong veo. 
Con trai Pa Dí,
mắt một mí, tóc đen,
mũi tẹt, da vàng,
dáng ngang tàn như quẫy đạp trần gian” ;
(Con trai Pa Dí), cũng của người con xứ này.

Hình ảnh những nàng sơn nữ cũng là một nét đẹp của “Môi tím chân trần”. Sự ý nhị duyên dáng của cô gái “thêu cả bốn mùa”, cái đẹp còn thấp thoáng trong bóng hình sơn nữ “xuống chợ mua gương”, vượt băng đường rừng. Chiếc gương soi có khi chỉ là một tiểu tiết trong trò lắt léo “đi chợ mua gương – chợ tàn, quên lối – hẹn phiên sau” của chàng trai, không gì hơn. Nhưng hình ảnh “xuống chợ mua gương” đã thể hiện khao khát được ngắm nhìn, được ý thức về mình, mà chẳng nơi thâm sơn cùng cốc nào ngăn nàng được. Và cả vẻ đẹp gợi cảm mà kín đáo của những cô gái mặc chiếc yếm đào vùng Kinh Bắc đều tràn đầy nữ tính.

Không biết tác giả vô tình, hay là hữu ý, mà tình yêu trong “Môi tím chân trần” cứ lơ lửng cùng những hình ảnh sắc không, hư thực. Chiếc gương (Xuống chợ mua gương) là biểu tượng cho nghịch lý phải dùng ảo ảnh để nhìn hiện ảnh, còn mối nhân duyên bắt đầu từ buổi chợ tàn, rồi vầng trăng rớt xuống nhuộm vàng hồ nước long lanh trong lời dặn dò của cô gái (Anh về thăm hội quê em), đều ẩn chứa những biến cố, đang thực bỗng hư, tưởng tàn cuộc hóa ra lại nối dài nhân duyên. Cả trò chơi có có không không của con trẻ cũng hóa thành câu chuyện của hiện hữu và ẩn tàng, của chàng và của nàng:
“Tập tầm vông cánh hoa hồng
Tay nào đây không đoán ra
Tập tầm vông tay nào không tay nào có
Tập tầmvó tay sẽ chạm vào tay
Tập tầm vông ai không đoán ra
Để người ta xe hoa lên rồi
Để ngày mai vắng tay người
Còn ai chơi tập tầm vông?”
Album này ra đời vì trẻ con, nhưng tôi tin nó không phải dành cho con trẻ. Sự xuất hiện của đồng dao ở đây (Chi chi chành chành, Tập tầm vông), dù đã mang sắc thái khác, cũng đều biểu hiện của một thiên hướng, hoặc một nỗi ám ảnh về tuổi ấu thơ trong tác giả.

Ít có album nào vừa đa dạng vừa thống nhất nội dung, sắc thái và chất liệu âm nhạc như “Môi tím chân trần”. Đôi chân trần tê buốt, cheo leo giữa “ruộng bậc thang lên trời” lại tái hiện trong “đôi chân nhỏ” nhọc nhằn giữa phố khuya Sài Gòn (Mỳ gõ), rồi hiện lên lần nữa, một cách thơ mộng, trong dáng dấp một “gót hồng”, buộc chiếc khăn tay của anh chàng học trò. Chuyện trẻ thơ, chuyện tình, chuyện mưu sinh lại “liên văn bản” với nhau một cách tinh tế. Giai điệu tuy lúc nồng nàn, lúc hứng khởi, tươi vui, nhưng vẫn mang âm hưởng dân ca. Việc sử dụng đa dạng các nhạc cụ, có cả tiếng khèn, tiếng đệm của trẻ em, đã mang ca khúc đến gần hơn với cuộc sống giản dị, chạm ngõ tâm linh của người dân tộc miền núi. Và, sự linh hoạt của giai điệu lại vừa vặn với sự đa dạng của các giọng ca thể hiện: giọng ca tinh tế, đậm chất dân ca của Trang Nhung; giọng nam nồng nàn, khỏe khoắn của Y Jang Tuyn; tình cảm của Thế Hiển, ngọt ngào bay bổng của Quang Lý, mộc mạc, gần gũi của Trần Hiếu, vút cao của Thanh Loan và cả chất phiêu diêu của Lê Vy. Hầu hết các ca khúc viết gọn ngàng, có hình tượng âm nhạc chủ đạo. Ca từ ngắn gọn cứ luyến láy, ngắn dài cùng giai điệu dạt dào tha thiết âm hưởng dân ca miền núi cao.



Trên blog cá nhân của mình, tác giả tâm sự là anh đã rấm rứt khóc khi hát lại bản nháp của ca khúc “Môi tím chân trần”. Với những dư âm, dư ảnh an lành mà day dứt, tượng hình từ những rung cảm chân thật như vậy, album được góp sức bởi bao nhiêu tấm lòng này, nhất định sẽ còn rung động được nhiều con tim:
“Gói cái tình vào manh áo ấm
Gói cái tình mặn vào chén cơm
Gửi em tôi chân trần môi tím
Ở miền biên cương”…
(Nguồn: Songnhac.vn)

3 nhận xét:

  1. Sẽ là không đầy đủ và có lỗi với anh Bắc Hải nếu Thu chỉ đưa bài báo của tác giả Thanh Tân (mặc dù tác giả viết rất hay và nói được những gì mà các "Cơm Thịt Viên" chưa nói được).

    Từ ý tưởng phát hành album từ thiện "Môi Tím Chân Trần" của anh đã phát triển thành dự án lớn không chỉ mang lại nhiều bữa ăn có đủ dưỡng chất cho các bé "môi tím chân trần" mà còn có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Từ cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi để chọn bìa CD, với sự đồng ý của các tác giả nhí và gia đình, các bức tranh đã được treo bán lấy tiền gây quỹ.

    Với 8 đợt trưng bày tranh thiếu nhi vẽ ủng hộ chương trình CCT, đợt đầu gồm 5 phiên đấu giá 10 bức tranh, từ đợt thứ 2 đến đợt 8 là treo tranh với giá đề nghị ủng hộ từ 200K trở lên (riêng đợt 8 là 400K), "Cuộc thi tranh thiếu nhi vẽ ủng hộ CCT" (sau này có tên "Hội chợ tranh CCT - Trẻ em giúp trẻ em") đã thu hút được sự hưởng ứng đông đảo của các cháu thiếu nhi và các bậc phụ huynh. Bé nhỏ tuổi nhất 3 tuổi rưỡi, lớn tuổi nhất là 14.

    Những lá thư với nét chữ tròn trịa của con trẻ mong muốn các bạn cùng trang lứa được ăn no, được mặc ấm, rồi lời động viên, chia sẻ của những người ủng hộ, làm chúng tôi thực sự xúc động. Không chỉ các bé háo hức mà cả câu chuyện đàm đạo giữa người mua ủng hộ với nhau và với gia đình các bé cũng thật cảm động. Có người chuyển tiền đặt mua bức tranh mình ưng ý, rồi sau đó lại quyết định tặng lại bé khi biết đó là một kỷ vật của gia đình. Rồi cùng một bức tranh có tới 5 - 6 người tham gia ủng hộ.

    Cuối đợt treo tranh lần thứ 4, chúng tôi nhận được lời nhắn của chị Quỳnh Mây, chủ nhiệm CLB Hoa & Mặt trời. Chị cho biết, phụ huynh CLB và các con nhất trí tặng chương trình CCT hơn 100 bức tranh bán gây quỹ giúp trẻ em nghèo miền núi. Những bức tranh, những nét vẽ hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ gửi gắm thông điệp giản đơn mà đầy tính nhân văn. "Con mong muốn được giúp bạn", "Mong các bạn có nhiều bánh bao để ăn", "Xây cầu cho các bạn đi học đỡ phải lội suối", "Mong các bạn có nhiều áo ấm để mặc"... Có thể nói, mỗi bức tranh là một câu chuyện, là một ước mơ ẩn náu đằng sau đó.

    52 bức tranh của các bé CLB Hoa & Mặt Trời đã được lưu lại trong bộ lịch bàn tranh CCT - CLB Hoa & Mặt trời năm 2014 như một kỷ niệm đẹp với mỗi bé, và những người tham gia dự án. 4300 cuốn lịch đã được mọi người ủng hộ là món quà đầy yêu thương để trao gửi cho những người bạn yêu quý nhân dịp đầu năm mới.

    Chị Nguyễn Thị Khánh Vinh, sau khi đọc bài "Như một lời tri ân" của Thu được chia sẻ trên trang cá nhân của chị Trần Thị Thanh Mai, đã viết: "Xa quê hương nhưng tấm lòng chưa khi nào xa."

    Trân trọng tấm lòng của anh. Những chiếc CD "Môi Tím Chân Trần" đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới sẽ chuyển tải những thông điệp dung dị mà ấm áp tình người của anh đi xa hơn nữa. Một lần nữa xin cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  2. Trả lời
    1. Cảm ơn anh. Chúc anh và gia đình một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. :)

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.