Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Ám ảnh

Nhớ mãi mà không ra. :)


Tối qua đọc nốt phần cuối truyện "Tìm trong nỗi nhớ". Cảm xúc của cặp nhân vật chính theo vào trong giấc ngủ. Sáng nay đang trên lớp, tự nhiên giai điệu của một bài hát Pháp đã lâu không nghe bỗng dội về. Giai điệu lúc chậm, lúc nhanh, lúc thiết tha, khi dồn dập, hối hả. Lời tiếng Việt nhớ lõm bõm, tên bài hát không tài nào nhớ nổi. (Cái tội chỉ biết nghe không chịu hát :D) Về nhà, trồng cây, dọn dẹp trên sân thượng xong, mò vào Net, lần theo những câu còn nhớ được, mà có nhớ câu nào trọn vẹn đâu :)), nửa câu trước, nửa câu sau, vậy mà cũng tìm ra bài hát ám ảnh suốt từ sáng. Mình phục mình quá. :D  

   


Maritsa hay Evros là tên của một dòng sông dài 450 km, chảy xuyên trong vùng Balkan. Sông bắt đầu từ dãy núi Rila, nằm ở phía tây của Bulgaria, chảy sang hướng đông và tạo thành đường biên giới tự nhiên với Hy Lạp và giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đổ ra biển Aegean.  Ca khúc La Maritza do Pierre Delanoe và Jean Renard sáng tác và được Sylvie Vartan ghi âm năm 1968. Bài hát nói về kỷ niệm thời thơ ấu của tác giả. Ở đó có người cha thân yêu, có những ngày sống tuyệt đẹp bên dòng sông êm đềm và trên trời có tiếng chim hót. Nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt với tựa đề "Dòng sông tuổi thơ", giữ nghĩa gần với nguyên bản và đã được nhiều ca sĩ hát cả lời Pháp lẫn lời Việt. Bản ghi âm sau đây của ca sĩ Thanh Lan bằng tiếng Pháp đã được phát hành trước năm 1975 trong băng nhạc Tùng Giang.


Nhánh sông thân yêu ngày chưa biết buồn 
Đã ru tôi trọn thời thơ ấu 
Ngỡ quên theo cùng năm tháng dài 
Sao giờ bỗng để buồn nhớ thương 
Dòng sông cũ... 

Những thân yêu trong mười năm bé dại 
Đã trôi đi tựa mùa xuân cũ 
Búp-bê xinh giờ đây nát rồi 
Riêng còn có một giọng hát xưa 
Ngày mới lớn... 
(La... la... la...) 

Những con chim trên dòng sông êm đềm 
Hát cho nghe bài ca phiêu lãng 
Rất thơ ngây nào tôi biết gì 
Khi chợt thấy người ngồi lắng nghe 
Thật say đắm... 

Đến khi đêm đen dần buông xuống rồi 
Những chim kia cùng nhau cất cánh 
Đến phương xa hồng tươi hy vọng 
Gia đình cũng về thành phố xa 
Đầy ánh sáng...

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Let's enjoy!

Hôm nay Thu xem trên FB clip cậu bé 4 tuổi chơi đàn piano. Thật ấn tượng! Thu vào một trang tiếng Anh của người Hoa thấy nói cậu bé tên là Andy Lee người Hồng Công. Một bản tiếng Pháp giới thiệu cậu bắt đầu chơi đàn từ năm 3 tuổi rưỡi và ở thời điểm thu clip cậu đã được 5 tuổi. Một bản trên YouTube giới thiệu cậu thích được gọi là Tsung Tsung trong clip cậu chơi 2 bản, Flood Time của Eric Thiman và Air. Nhận xét của mọi người nhìn chung là khâm phục, ngạc nhiên, nhưng cũng không ít người tỏ ra không thích thú lắm. Họ nghi ngờ về việc liệu cậu còn giữ được khả năng thiên bẩm cho tới khi trưởng thành. Trên FB, có người còn tỏ ra thương cảm vì cho rằng cậu bé đã chịu áp lực quá lớn từ cha mẹ, những người vì mong con sớm trở thành thần đồng đã đánh mất đi tuổi thơ của cậu. Tựa đề 4-Year-Old Boy Plays Piano Better Than Any Master của clip cũng gây nhiều tranh cãi. Thôi thì, gạt những ý kiến bất đồng sang một bên, chúng ta hãy cùng thưởng thức.



Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Hành trình tới những con chữ

Mình sẽ không nói mình thích clip vì nhạc nền là một trong những bản nhạc mình yêu thích. Bản thân nội dung clip, những con người, những khuôn mặt, những việc họ đã, đang và sẽ tiếp tục làm với mình đã là một bản nhạc tuyệt vời, bản nhạc của cuộc sống, bản nhạc của những sự hy sinh, những cống hiến thầm lặng. Thực sự khâm phục và xúc động.


Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Ngày này năm ấy

Sáng tác: Phạm Tuyên
Trình bày: Ngọc Tân - Huy Hùng - Tiến Thành

"Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979" bài viết của Ng.Phong đăng trên báo Thanh niên online

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

"Repeat" Người Hà nội

"Người Hà nội" do hai ca sĩ Tiến Thành - Tuyết Nhung biểu diễn cùng Tốp ca Đài TNVN.


Nguồn: Baicakhongquen.net

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Người Hà Nội

 NS Nguyễn Đình Thi
Nhạc sĩ Nguyễn Đinh Thi sáng tác bài hát này đầu năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ vừa mới nổ ra được ít ngày, sau khi cả Hà Nội đã lên đường sơ tán theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên gọi ban đầu là Bài hát của một người Hà Nội. Mặc dù bản thân nhạc sĩ từng thổ lộ ông không được học cao về âm nhạc, bài Người Hà Nội của ông thực sự đòi hỏi ca sĩ trình bày phải có trình độ thanh nhạc tốt bên cạnh một nhạc cảm tốt, cái nhạy bén vốn có trong tâm hồn người Tràng An. Trong bài hát này, Nguyễn Đình Thi đã có một câu hát nhắc lại nguyên văn câu mở đầu một tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao. Đó là câu "Đoàn quân Việt Nam đi" của bài Tiến quân ca. Bài hát này được một số nghệ sĩ trình bày thành công như Lê Dung, Trọng Tấn, Cao Minh và Ánh Tuyết... 
(Nguồn: wikipedia) 

Đọc thêm về nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và bài hát “Người Hà Nội”

Thu rất thích bản do hai ca sĩ Tiến Thành - Tuyết Nhung biểu diễn cùng Tốp ca Đài TNVN. Rất tiếc các bản trên YouTube đều bị thiếu một chút. Bản MP3 trên trang Bài ca không quên đủ nhưng không cho code để đem về GAN.  



Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Khúc ca mùa xuân

Cứ mỗi độ xuân về Thu thường hay nghe lại bài hát này và thích bài hát được biểu diễn với giọng ca của nữ nghệ sĩ Thanh Hoa.  


Sáng tác: nhạc sĩ Trần Hoàn
Thơ: Thanh Hải
Biểu diễn: ca sĩ Thanh Hoa















Phần thể hiện của nghệ sĩ Kim Phúc

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013