Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Andrea Bocelli - Giọng ca của muôn đời

      Thời gian khắc nghiệt có thể nhấn chìm mọi thứ vào trong quên lãng, chỉ có những điều tuyệt diệu và đẹp đẽ mới có thể trường tồn qua năm tháng. Một giọng ca của muôn đời phải chịu được sức tàn phá khủng khiếp của thời gian, một giọng ca của muôn đời phải chống chọi được sự hao mòn qua năm tháng. Nó phải là thứ phù hợp với mọi thời đại, với mọi lứa tuổi. Và Andrea Bocelli là một trong những người có được điều đó.
      Andrea Bocelli (22/9/1958) là một nam ca sĩ pop-opera nổi tiếng người Italia. Dù hát bẳng ngôn ngữ mà đa số đều không hiểu (tiếng Italia) nhưng những lời ca của ông đã chạm đến trái tim của một số lượng khổng lồ những người yêu âm nhạc trên toàn thế giới. Bẩm sinh đã có tật ở mắt và bị mù hoàn toàn từ năm 12 tuổi nhưng ông không gục ngã trước hoàn cảnh khó khăn. Tốt nghiệp tiến sĩ ĐH Pisa, Andrea là luật sư trong vòng 1 năm trước khi dành hoàn toàn tâm trí cho âm nhạc và gặt hái được rất nhiều thành công trong lĩnh vực này với nhiều album nổi tiếng:
- Il mare calmo della sera (1994)
- Bocelli (album) (1995)
- Viaggio Italiano (1996)
- II mare calmo della sera (1996)
- Romanza (1997)
- Aria, The Opera Album (1998)
- Hymn for the World (1997)
- Viaggio Italiano (1997)
- Hymn for the World 2 (1998)
- Sogno (1999)
- Sacred Arias (1999)
- Verdi (2000)
- The Platinium Collection (2000) 
- Cieli di Toscana (2001)
- Sentimento (2002)
- Viaggio Italiano (2003)
- Andrea (album)
- Amore (2006)
- The Best of Andrea Bocelli: Vivere (2007)
- Incanto (2008)
- My Christmas (2009)

      Bản thân tôi là người non kém và nghèo nàn kiến thức về âm nhạc nên không thể có được những nhận xét và cảm nhận tinh ý, sắc sảo về Andrea Bocelli. Nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi khi nghe ông thả hồn vào những "Canto Della Terra", "Time to say good bye", "Ave Maria",... trong tôi lại thổn thức những cảm xúc khó tả. Cảm giác bồi hồi nhớ nhung một ai đó, hay đơn giản chỉ là một dòng suối dịu êm thoải mái như Bác Hồ từng viết:
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa"
      Vẫn biết so sánh như vậy là khập khiễng và không nên, nhưng ngôn từ ít ỏi và khô khan của tôi dường như trở nên vô dụng và bất lực để có thể miêu tả được hết những cảm xúc mỗi khi nghe Andrea hát. Tất nhiên, không phải bài nào của ông cũng hay hết, nhưng nhiều bài với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, sâu lắng có, tha thiết có, sôi động cũng có dường như có thể khiến thính giả nghe mãi mà không nhàm chán. Hơn nữa, khi nghe nhạc của Andrea Bocelli, vì là tiếng Italia nên chằng mấy ai hiểu cả, chỉ có thể cảm nhận nên mỗi người một cảm xúc khác nhau. Không sao hết, vốn dĩ nghe nhạc không phải để hiểu mà là để cảm nhận, những bài ca tình yêu với những ca từ quằn quại khổ sở sẽ chẳng thể đi vào lòng người nếu như nó không hay và người nghệ sĩ không thả hồn vào nó. Do vậy, khi mỗi người trong chúng ta nghe nhạc của Andrea Bocelli và cảm nhận thì cũng đừng quên rằng đâu đó trên thế giới này vẫn có những người có chung cảm xúc như mình, hoặc phong phú hơn là ngược lại chẳng hạn! Và như thế, những bài ca của Bocelli nói riêng và âm nhạc nói chung chẳng phải là thứ gắn kết chúng ta lại hay sao, chẳng phải nó làm cho chúng ta có thứ để chung một cảm nhận, một niềm vui sao? Cứ như thế, những bài ca trở thành cầu nối tâm hồn của mọi người với nhau, trẻ có thể hiểu được già và ngược lại. Và như vậy, cho đến muôn đời, chỉ cần con người còn yêu thương, còn cảm xúc để sẻ chia thì chiếc cầu kết nối tâm hồn họ vẫn sẽ còn mãi, giọng ca của Bocelli vẫn sẽ còn mãi.


      Một vài năm nữa, hay nhiều năm nữa, những album của Andrea Bocelli vẫn sẽ là món ăn tinh thần quí giá và đáng trân trọng. Dù thời gian có trôi qua, nhưng tôi tin rằng những cảm nhận tuyệt vời khi được nghe Bocelli hát vẫn sẽ không đổi. Và, chắc chắn rằng nhiều người cũng có chung suy nghĩ và cảm xúc như vậy! Hãy cứ lắng nghe rồi cảm nhận!

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Như một nén hương thơm


"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm."

Từ bốn câu thơ nổi tiếng của Lê Bá Dương, nhạc sĩ Lê An Tuyên đã viết ca khúc 

DÒNG SÔNG TUỔI HAI MƯƠI
Nhạc: Lê An Tuyên
Lời: Lê Bá Dương - Lê An Tuyên
Thể hiện: Xuân Huyền
Thể hiện: Đăng Thuật
Phối khí: Phan Cường

(*) Lê Bá Dương (sinh ngày 10 tháng 4 năm 1953), còn có các bút danh Tư Lê, Lý Quảng Trịnh, Triệu Gio Cam, là chiến sĩ quân giải phóng tại thành cổ Quảng Trị và hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên thường trú của báo Văn hóa tại Nha Trang.
Là tác giả bài thơ 4 câu nổi tiếng mang tên Lời gọi bên sông (còn được biết đến với tên gọi Đò xuôi Thạch Hãn), Lê Bá Dương cũng là người đã khởi xướng nên phong trào kết bè thả hoa thường niên trên dòng sông Thạch Hãn vào ngày 27 tháng 7 để tưởng niệm vong linh đồng đội, những người đã ngã xuống mảnh đất Quảng Trị trong cuộc chiến khốc liệt của Mùa hè đỏ lửa.


Tác giả bài hát, nhạc sĩ Lê An Tuyên, đã viết về bốn câu thơ của anh:

“…những người hi sinh ở Thành cổ, ở dòng sông Thạch Hãn lại chủ yếu là những người lính trẻ. Hồi đó những người lính là những thanh niên mới lớn, mới rời ghế nhà trường, ít kinh nghiệm trận mạc. Nhất là lớp thanh niên người Hà Nội. Sau mấy đợt huấn luyện vội vã cho tân binh là họ được tung vào ngay chiến trận. Người lính mang theo một chút lãng mạn xứ Đông - Đoài, một chút hoài bão tuổi trẻ, muốn kết thúc nhanh chiến tranh để trở về quê hương. Thế mà họ lại vĩnh viễn ở lại, hóa mình vào đất, vào nước ở nơi này.
Tiếng súng chiến tranh đã câm lặng tự hồi nào, năm tháng trôi qua, cỏ cây đã mọc xanh trên vách tường Thành cổ Quảng Trị, dòng nước sông Thạch Hãn trở lại trong xanh và vô tình lững lờ trôi như dòng thời gian. Vết tích chiến tranh được cỏ cây và thời gian xóa nhòa dần. Cũng như con đò hối hả ngược xuôi trên sông nước, trên dòng chảy hối hả, gấp gáp của dòng đời, con người phải bận rộn sống với hiện tại và hướng tới tương lai, nhiều lúc ký ức về chiến tranh cũng nhạt dần theo năm tháng.
Nhưng có nhiều người không thể nào quên được ký ức về Thành cổ, về dòng sông Thạch Hãn. Dòng sông Thạch Hãn chảy trên đất Quảng Trị và hình như ứa chảy mãi từ trái tim họ. Họ sống với nỗi đau thương về đồng đội, về bạn bè lứa tuổi đôi mươi. Một trong những người đó là người chiến sĩ nhà báo Lê Bá Dương. Người chiến sĩ Lê Bá Dương may mắn hơn rất nhiều đồng đội của mình. Anh sống sót qua trận chiến, tuy rằng trên thân thể cũng đầy các vết thương tích. Nhưng ký ức về Thành cổ Quảng Trị, về dòng sông Thạch Hãn luôn đè nặng lên trái tim anh. Anh day dứt về những đồng đội một thời trận mạc đã nằm lại nơi đầu sông, cuối rừng, với phần lớn thân xác không còn vẹn nguyên. Dằng dặc những năm sau cuộc chiến, liệu những gia đình có con em hi sinh trong chiến tranh nơi ấy đã tìm thấy chút di hài của người thân mình? Đất chiến trường xưa vẫn ủ nóng di hài đồng đội, hay dòng sông, con suối vẫn còn ôm ấp, giữ lại trong lòng mình kí ức đau thương của con người? Anh luôn bị ám ảnh bởi những câu hỏi đó. Cái mà người ta cũng có thể gọi là Hội chứng của chiến tranh.

Tôi thích vô ngần câu thơ của anh:
" Đò lên Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm"
Thế đấy! Cuộc sống hàng ngày của mỗi con người ở dải đất miền Trung đơn giản mộc mạc như con đò trôi trên dòng Thạch Hãn, đấy là dòng đời, dòng sông thời gian. Tác giả ví von cuộc sống như con đò, chứ không phải con thuyền. Vì hàng ngày con người miền Trung vẫn dùng sức mình đẩy con đò đi. Khi đò dọc, lúc đò ngang. Nơi nông - khó khăn thì dùng sào chống, đẩy. Nơi nước sâu - thuận dòng thì dùng mái chèo. Có nghĩa là sự vươn lên trong cuộc sống vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động của mình. Cuộc đời của người miền Trung chưa phải là con thuyền căng buồm dựa vào gió lộng. Sự vận động nhẹ nhàng đó thế mà cũng khua động đến ký ức của cuộc đời lưu giữ trong dòng sông Thạch Hãn. Lê Bá Dương sử dụng chi tiết này vô cùng đắt giá. Đắt ngay cả từng từ còn đó bạn tôi nằm. Vâng đáy sông vẫn và mãi mãi hiện hữu bạn bè đồng đội nằm trong miền ký ức chứ không phải là mất, là khuất núi theo nghĩa tử trần trụi. Bởi vậy, anh cứ sẽ sàng nhắc những ai qua lại, ngược xuôi dòng sông Thạch Hãn dẫu có vô tình hững hờ quên thì anh sẽ nhắc: hãy gượng nhẹ mái chèo, bởi đáy sông còn đó những người còn nằm dưới lòng sông. Nào có ai dám quên đâu. Chỉ có điều là không muốn nói đến thôi. Nhưng lời anh nhắc đã làm cho sự hoài cảm về quá khứ quay lại. Đau đáu, tiếc thương về sự tổn thất vô bờ bến, những người bạn của anh ở lứa tuổi thanh xuân ngã xuống trong chiến tranh. Người được nhắc, có nghĩa là người đọc bài thơ, biết thế thôi. Nỗi đau khôn nguôi và lặng lẽ giữ nó lại trong lòng mình, không dám bộc bạch cùng ai.

Với hai câu thơ kết giàu biểu cảm:
"Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
Lê Bá Dương đã thổ lộ hộ tâm tình của chúng ta rằng, cái bờ ở đây đã lớn hơn, rộng hơn hẳn cái bờ bị khuôn hẹp của một dòng sông hiện hữu. Nó là cỏ cây, là bờ cát trắng, nó là dòng chảy của con sông Thạch Hãn đã hóa vào dòng chảy tâm linh dạt dào sóng nước tuổi hai mươi. Mãi mãi nỗi mất mát của một thời đại bi hùng quá khứ ấy, không và mãi mãi không bị lãng quên. Rằng với những người đã khuất. Họ vẫn ở lại với chúng ta, họ đồng hành với chúng ta và họ vĩnh hằng tươi trẻ với lứa tuổi Hai mươi.

Đã 35 năm ngày hai miền Nam- Bắc sum họp, người lính từ chiến tranh trở về với mái nhà của mình rất lâu rồi, mái tóc xanh năm xưa của người lính cũng đã hoa râm. Tiếng súng nổ chiến tranh cũng đã lùi vào dĩ vãng. Thời gian trôi đi và lặng lẽ bỏ lại rất nhiều trong quá khứ. Nhưng nỗi đau mất mát về những con người trẻ tuổi vẫn còn đó, chừng nào chúng ta còn khoắc khoải nhớ tới họ. Nỗi tiếc thương về những con người trẻ tuổi bất tử đó đã vĩnh viễn hóa thân vào bài thơ LỜI GỌI BÊN SÔNG - Một bài thơ với tôi không chỉ nổi tiếng thời đại, mà hơn thế, nó còn là một bài thơ có giá trị đánh thức mọi thời đại của Lê Bá Dương.”
Lê An Tuyên - Jena, CHLB Đức
(Bài đăng sử dụng tư liệu từ blog Lê Bá Dương)

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

"Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình"

(Trích Hồi ký của NS Trịnh Công Sơn)

 Nguồn ảnh: Internet
"Càng sống nhiều, người ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại gặp nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay, ngày mai. Chết thì chẳng bao giờ có cuộc hẹn hò nào trước. Một buổi sáng cách đây 4 năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: "Má đi chơi một chút nghe". Thế rồi một giờ sau, tôi được điện thoại báo tin mẹ đã mất tại nhà người bạn.

Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã từ biệt chúng tôi như thế. Không kịp nói một lời, không kịp đưa tay vẫy chào bạn bè, vẫy chào cuộc sống. Thế kỷ 21 thế mà cũng khó đến được dù chỉ còn mấy năm.

Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua nói yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi. Mất sạch như người buôn mất đi vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ mãi trong lòng hờn oán thì cũng nặng nề.

Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mình đã mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.

Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình, nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ trong lòng một nỗi nhớ nhung."
Trịnh Công Sơn
(Theo Thể Thao Ngày Nay)

Nhạc phẩm Nỗi niềm riêng 
Sáng tác: NS Trịnh Công Sơn - Trình bày: NS Nguyễn Đình Toàn

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Đẹp vô cùng Tổ Quốc ta ơi!


Thu ít khi được đi đâu xa. Một năm thường chỉ đi nghỉ cùng gia đình một đôi lần. Ít đi ít biết thành ra thiệt thòi. Gần đây hầu như tháng nào cũng đi thiền dã ngoại cùng Câu lạc bộ. Những nơi đã đến bao giờ cũng để lại những ấn tượng khó quên. "Trình" chụp ảnh thuộc loại AB, máy ảnh thuộc loại "sin xiệu" chẳng bao giờ ghi lại được đúng những gì mình nhìn thấy. Trước đây vẫn có thói quen sưu tầm ảnh phong cảnh nhưng chủ yếu là ảnh phong cảnh nước ngoài. Từ khi được xem mấy bức ảnh chụp miền địa đầu của Tổ Quốc thấy mê quá. Hôm qua vào trang ttvnol.com ngó được bộ ảnh đẹp đến ngỡ ngàng của "dân phượt xịn". Ngắm những bộ ảnh như thế này càng thấy thêm yêu Tổ Quốc. Mời mọi người xem ảnh và nghe Hợp xướng Ca ngợi Tổ Quốc của nhạc sĩ Hồ Bắc.
(Sửa lại ngày 19/7/2011)

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

HỒ THIÊN NGA - TCHAIKOVSKY

 Nguồn ảnh: Internet

Hồ Thiên Nga, Swan Lake, là vở ballet đầu tiên và cũng là vở ballet nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc Nga Peter Ilitch Tchaikovsky. Mặc dù vở ballet này có nhiều phiên bản nhưng phần lớn các đoàn ballet đều dàn dựng dựa trên phiên bản âm nhạc và biên đạo của Marius Petipa và Lev Ivanov, công diễn lần đầu vào ngày 15/1/1895 tại Nhà hát Mariinsky ở St. Petersburg, Nga. 

Cốt chuyện Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky
Màn I
Cảnh 1. Công viên trước lâu đài.
Benno và các bạn chờ hoàng tử Siegfried để chung vui trong ngày lễ thành niên của chàng. Hoàng tử tới cùng với thái sư Wolfgang. Cuộc vui bắt đầu. Các thôn nữ và nam thanh niên tặng quà cho hoàng tử, chúc mừng chàng. Hoàng tử rót rượu thưởng các nam thanh niên, còn các thiếu nữ được nhận các dải băng. Thái sư Wolfgang chuếnh choáng say, điều khiển người hầu thực hiện các ý muốn của hoàng tử. Nông dân nhảy múa.
Cảnh 2. Người hầu xuất hiện, báo tin về chuyến thăm của nữ hoàng. Cuộc vui chung chùng xuống. Các điệu nhảy ngừng lại. Người hầu vội vã dọn dẹp, xoá dấu vết cuộc vui. Đám thanh niên và thái sư Wolfgang cố gắng tỏ ra tỉnh táo. Nữ hoàng bước vào cùng đoàn tuỳ tùng. Hoàng tử ra đón mẹ. Bà âu yếm trách móc con đã giấu mẹ việc vui chơi chè chén ở đây, bởi vì bà đã biết cả. Bà tới không phải để phá cuộc vui, mà chỉ để nhắc cho hoàng tử nhớ rằng hôm nay đã là ngày cuối cùng chàng được tận hưởng cuộc sống độc thân, ngày mai chàng sẽ phải chọn cho mình một cô dâu. Hoàng tử hỏi mẹ về người vợ tương lai của mình và được nữ hoàng cho biết chàng sẽ phải tự chọn trong số các công chúa được bà mời đến lễ hội ngày mai. Nữ hoàng rời sân khấu sau khi cho phép cuộc vui được tiếp tục.

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Nghe Hasta Mañana nhớ ABBA

 Nguồn ảnh: Internet
Lâu lâu ghé qua Góc học trò lại học được điều hay. Lần trước qua học được cách cài Youtube Tool. Xem các clip trên YouTube ngay tại trang, thích quá. Chẳng biết gì về IT, HTML, CSS thì lại càng mù tịt. Được Hoctro hướng dẫn cách làm rất rõ ràng, về áp dụng vào GAN được ngay, mỗi tội nó cứ skip hoài, không cho nghe bài theo thứ tự lần lượt. Lần này qua lại nhìn thấy cái Yahoo Media Player. Giao diện dễ coi, lại nghe được lần lượt từ bài này qua bài khác. Khi không sử dụng nó thu lại thành nút play nhỏ ở góc trái bên dưới. Muốn nghe chỉ cần ấn vào cái nút play đó hoặc nút play ngay bên cạnh tên bản nhạc hoặc click thẳng vào tên bản nhạc là hiện ra cả list nhạc. 

 Ảnh minh họa từ Blog Hoctroviet

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Sonata “Mùa xuân” của Beethoven

Chương I (Allegro) bản Sonata số 5 giọng Fa trưởng Op.24 của Ludwig van Beethoven, còn gọi là bản Sonata "Mùa xuân", do nghệ sĩ violin Igor Gruppman và nghệ sĩ piano Ilya Itin trình diễn tại Liên hoan Piano Quốc tế ở Miami.


Nguồn ảnh: Internet
Sonata "Mùa xuân” được xuất bản vào năm 1801 và đề tặng bá tước Moritz von Fries - một người bảo trợ của Beethoven. Tên của bản sonata này không phải là do nhà soạn nhạc đặt mà do ai đó đã so sánh cảm xúc mà bản nhạc mang lại, tươi tắn tựa mùa xuân.  Khi thưởng thức Sonata "Mùa xuân” nói riêng và các sonata của Beethoven nói chung, ta không nên đóng khung trí tưởng tượng và cảm xúc của mình vào tên gọi của nó.

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Belle - Đẹp

Lang thang trên mạng tìm thấy bản dịch của Như Huy đã lâu. Có tham vọng đợi bao giờ tìm đủ vở Notre Dame de Paris (tựa tiếng Việt: Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà) mới đăng nhưng bận chẳng có thời gian. Thôi thì chia sẻ với mọi người bản dịch này trước vậy. Cảm ơn Như Huy đã đồng ý cho GAN sử dụng bản dịch.

Notre Dame de Paris song 19 Belle


ĐẸP
Lời việt: Như Huy
Quasimodo:

Đẹp, dường như là ngôn từ chúa riêng ban cho em rồi
...Ngày thân em trắng ngời dáng thiên nga trong điệu múa
Mềm uốn xoay người tung cánh lưng trời rạng rỡ môi cười
Và trái tim anh chợt bỗng nghe quặn niềm đau sau cuối

Khi em thấp thoáng tươi non thân mình chìm trong váy mềm
Mẹ Maria xin cho con quên tiếng kinh mầu nhiệm
Và nào ai dám bước ra giữa vũ điệu để ngăn giữ nàng
Ngàn muôn kiếp sẽ cô đơn lưu đầy cách xa thiên đàng
Ôi Lucifer xin đón linh hồn của gã si tình
Chỉ ước một lần được vuốt tóc nàng Esmeralda

Frollo (the Priest):

Đẹp, là hiện thân ác quỷ chính ngay khuôn mặt yêu kiều
Làm ta quên hết ngày Chúa ban cho ta tình yêu
Ngươi dắt ta vào ngục tối giam cầm của những mê dại
Lạc lối thiên đường chìm mãi sâu vào hận sầu oan trái

Nàng mang đến cõi nhân gian cô đơn này muôn lỗi lầm
Cuồng si đốt cháy tan hoang tim ta khiến ta tuyệt vọng
Nàng, chỉ đôi phách gõ, đôi chân giang hồ, giọng hát phiêu bồng
Chợt sao bỗng hóa cơn đau kiếp người trĩu vai mang nặng
Mẹ Maria xin hãy một lần từ ái muôn cùng
Chỉ lối con vào nơi chốn khu vườn Esmeralda

Phoebus:

Đẹp, chìm nơi đáy mắt nàng có một lời nguyền diệu kỳ
Người mang đôi mắt này cớ sao lưu lạc trần thế?
Trong bước chân mềm trong dáng xoay người trong khúc hoan ca
Nàng đều hứa mang lại một cõi thiên đường lòng anh khao khát

Dù cho khắp thế gian kia có rủa nguyền anh bội bạc
Thì ngay phút trước khi bên ban thờ hứa câu suốt đời
Hãy, để anh đắm đuối nơi đôi mắt độc bùa mê giết người
Làm sao đánh thức cơn mê khiến anh nói không nên lời
Hỡi fleur-de-Lys, xin hãy tha tội một gã si tình
Trót bước chân vào nơi chốn khu vườn Esmeralda

Quasimodo, Frollo, Phoebus:

Khi em thấp thoáng tươi non thân mình chìm trong váy mềm
Mẹ Maria xin cho con quên tiếng kinh mầu nhiệm
Và nào ai dám bước ra giữa vũ điệu để ngăn giữ nàng
Ngàn muôn kiếp sẽ cô đơn lưu đầy cách xa thiên đàng

Ôi Lucifer xin đón linh hồn của gã si tình
Chỉ ước một lần được vuốt tóc nàng Esmeralda.