Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Phượng hồng

(Bài đăng theo yêu cầu của Người hâm mộ)
Nhạc: Vũ Hoàng
Thơ: Đỗ Trung Quân

 Ảnh: Xuân Chính
"Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm tuổi tôi mười tám,
Thưở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”

Được phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, Phượng hồng là lời tâm sự của một chàng trai về mối tình đầu đã qua. Những ký ức hiện hữu trong anh là chiếc giỏ xe rực đỏ màu hoa phượng vĩ, cơn mưa bất chợt giăng ngoài cửa lớp, bài thơ tình lưu giữ trong trang vở và đặc biệt là “tà áo ai bay trắng cả giấc mơ”. Không biết từ bao giờ, hình ảnh hoa phượng đã gắn liền với những mối tình tuổi học trò. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?” Mối tình thưở học trò ấy trôi qua đúng vào mùa hè, trong sự ngẩn ngơ của chàng trai, để rồi sau đó anh ta chỉ biết trách cô gái rằng: “em chở mùa hè của tôi đi đâu?” Trong số những ca sĩ từng thể hiện, Tấn Minh được đánh giá là người đã thể hiện được cảm xúc nhất những nỗi niềm tương tư của chàng trai trong Phượng hồng.

Nghe ca khúc với phần trình bày của ca sĩ Tấn Minh.

Phượng Hồng

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18,
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.

Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở,
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ,
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây,
Và mùa sau biết có còn gặp lại,
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.

Mối tình đầu của tôi
Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi,
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu,
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.

(quay lại từ đầu)
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa.

 Nguồn ảnh: Internet
"Trong trái tim mỗi người, ai chẳng có một nỗi niềm bị kìm nén, bị ghim chặt vào quá khứ để rồi mang theo đến suốt cuộc đời. Phần lớn đó là một nỗi buồn mãi mãi chẳng thể nào nguôi.
Với tình yêu, những ai không bao giờ phải trải qua mối tình thứ hai, thứ ba,… có lẽ là những người hạnh phúc nhất. Chẳng phải tự nhiên mà người ta gắn chặt mối tình đầu với sự tiếc nuối và buồn đau. Cũng chẳng phải tự nhiên khi màu hoa phượng đỏ rực khắp phương trời tháng 6 là những ký ức của một thời nhiệt huyết và đắm say lại ùa về. Màu đỏ ấy ngập tràn trong tâm hồn biết bao thế hệ, biết bao người từng đi qua tuổi học trò hay thời sinh viên đầy mơ mộng, hồn nhiên.

Lý do người ta phải nói lời chia tay với mối tình đầu thì nhiều lắm. Ở cái tuổi chỉ một cái vô tình chạm tay cũng làm tim rung động, chỉ một ánh mắt nhìn cũng đủ làm xao xuyến con tim thì cũng chỉ cần một chút giận dỗi, hiểu lầm nho nhỏ cũng có thể làm người ta luyến tiếc cả cuộc đời.
Nguồn ảnh: Internet
Cuối tháng 5, đầu tháng 6, màu phượng đỏ lại cháy rực các con phố Hà Nội. Những bài hát, những câu thơ như trong “Thời hoa đỏ” hay “Phượng hồng” lại sống lại trong trái tim biết bao người. Những tác phẩm ấy không phải chỉ để hát, để nghe mà còn đưa chúng ta về về với một thời thương nhớ, một thời yêu thương nồng cháy, làm sống lại một thời đã vĩnh viễn mất đi. Dù cho hiện tại là cái chúng ta đang sống, tương lai là điều chúng ta đang hướng tới, nhưng quá khứ là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và giúp chúng ta sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn trong mỗi thời khắc của hiện tại và tương lai sau này."
(Sưu tầm và biên tập)

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

The London Symphony Orchestra với CLASSIC ROCK

The London Symphony Orchestra (LSO) là một dàn nhạc lớn của Vương quốc Anh và cũng là một trong những dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới.
Classic Rock là tên được đặt cho một loạt các bản ghi do Dàn nhạc giao hưởng London thu âm giữa những năm 1976 và 1994. Album này bao gồm  những bản rock cổ điển và những bài hát được soạn cho dàn nhạc pop. Chọn ra một số bản do "The London Symphony Orchestra" trình bày, tương đối tiêu biểu dễ nghe, không quá "phức tạp" như cổ điển, tải lên Zing MP3 chia sẻ cùng mọi người. 
Thay "món" đổi "vị" một chút! Có lẽ những ai mới tiếp xúc với thể loại nhạc này có thể chưa quen ngay.






Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Giai thoại về Sonata Ánh trăng của Beethoven

Sưu tầm
Beethoven sáng tác bản Sonata cho piano số 14 năm 1801 và đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi. Sau khi Beethoven qua đời vài năm, nhà thơ và cũng là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm với ánh trăng trên hồ Lucerne. Từ đó bản nhạc này được mọi người biết đến dưới cái tên "Sonata ánh trăng".

Sự ra đời của nó cũng có rất nhiều giai thoại. Sau đây là một giai thoại nổi tiếng về xuất xứ của bản nhạc bất hủ này.
Năm 1801, Beethoven đang sống ở kinh đô âm nhạc thế giới là thành Vienna – thủ đô nước Áo. Để trang trải khó khăn trong cuộc sống thường ngày, ngoài việc sáng tác, Beethoven còn dạy nhạc cho con gái các nhà quý tộc. Beethoven xấu trai nhưng mang một trái tim nghệ sĩ đa tình. Ông đem lòng yêu say đắm một học trò của mình là Giulietta Guicciardi. Cô thiếu nữ dường như cũng biết được điều đó nhưng chỉ im lặng khiến Beethoven càng thêm hy vọng. Thế nhưng, tình cảm ấy của Beethoven đã bị cự tuyệt khi ông ngỏ lời với Giulietta dưới vòm hoa nhà nàng vào một buổi tối sau khi dạy xong. Tuyệt vọng và đau đớn, đêm hôm đó Beethoven đã lang thang vô định trong thành Vienna rồi đứng cô độc trên cây cầu bắc qua dòng Danube xanh xinh đẹp. Đó là một đêm trăng rất sáng, Beethoven như sực tỉnh khi đắm mình trong một không gian tĩnh lặng ngập tràn ánh trăng với nước sông Danube lấp lánh huyền ảo. Thành Vienna đã chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn người nhạc sĩ đau đáu một mảnh tình đơn phương đang đứng cô độc giữa đất trời thấm đẫm ánh trăng. Đâu đây tiếng dương cầm vang lên xa vắng, tiếng đàn như hút hồn dẫn bước chân Beethoven đi một cách vô thức đến một ngôi nhà trong khu lao động nghèo. Ở đó chỉ có người cha đang ngồi nghe cô con gái mù của mình chơi dương cầm. Người cha đau khổ bảo Beethoven rằng con gái mình chỉ có một ước mơ duy nhất suốt cuộc đời là được ngắm nhìn ánh trăng trên dòng Danube, nhưng ông chẳng bao giờ có thể đem đến cho con niềm hạnh phúc giản dị ấy. Xúc động trước tình cảm của người cha dành cho con gái và ngạc nhiên trước tiếng dương cầm thánh thót của người thiếu nữ mù, Beethoven ngồi vào cây đàn và bắt đầu chơi. 
Những nốt nhạc vang lên ngẫu hứng, ào ạt dâng theo cảm xúc mãnh liệt của nhà soạn nhạc thiên tài, lúc nhẹ nhàng hiền dịu như ánh trăng, lúc lại mạnh mẽ mênh mang như sóng sông Danube. Dường như không còn cuộc sống vất vả với những lo toan thường nhật, không còn những mảnh đời đau khổ, những bi thương tuyệt vọng mà chỉ còn một thế giới huyền ảo, lung linh như cổ tích. Tiếng nhạc ngân lên trong ánh trăng, thấm đẫm trong ánh trăng, dạt dào trong ánh trăng, đọng lại từng giọt cảm xúc đầy khát vọng bứt ra khỏi lời nguyền của số phận.

Wilhelm Kempff plays Beethoven's Moonlight Sonata mvt. 1

01. Wilhelm Kempff plays Beethoven's Moonlight Sonata mvt. 1
02. Wilhelm Kempff plays Beethoven's Moonlight Sonata mvt. 2
03. Wilhelm Kempff plays Beethoven's Moonlight Sonata mvt. 3

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Nghe "chú ếch con" phiên bản tiếng Ý

Sưu tầm
Chú ếch con, ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phan Nhân viết năm 1967, đã xuất ngoại. Ca khúc này được Studio Antoniano ở thành phố Bologna (Ý) thu vào album CD ca nhạc thiếu nhi mang tên Zecchino d'Oro vào năm 2003.

Nhạc sĩ Phan Nhân cho biết ông viết Chú ếch con tại nhà nhạc sĩ Bửu Huyền năm 1967 (thời điểm miền Bắc bị giặc Mỹ đánh bom dữ dội) khi tình cờ nghe cháu Vĩnh Thanh (con nhạc sĩ Bửu Huyền) đang học bài về chú ếch. Ca khúc này nhằm ngợi ca sự quả cảm của trẻ em VN “mặc áo giáp rơm chống bom bi”.

Chú ếch con (dịch ra tiếng Ý là Ma va la) trong album do cháu Lê Nguyễn Hương Trà, 8 tuổi, người Hà Nội, hát bằng hai thứ tiếng Việt – Ý. Album có 14 giọng hát thiếu nhi từ 3 – 9 tuổi của các nước Ý, VN, Uruguay, Serbia, Colombia, Lebanon, Mỹ và Pháp. Đây cũng là album mới nhất của Studio Antoniano.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hương, mẹ cháu Hương Trà, album là kết quả của cuộc thi “Tiếng hát trẻ em quốc tế” do Trường Piccolo Coro ở Bologna tổ chức vào cuối năm 2003. Hương Trà được Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội chọn và thu cho cháu hai ca khúc Con gà gáy le teChú ếch con gửi đi thi. Ban tổ chức cuộc thi đã chọn Chú ếch con để đưa vào album và bình chọn Hương Trà là “người hát tiếng Ý hay”.
Hương Trà đã đi Ý hai lần để học tiếng và hát thu thanh. Hiện Hương Trà đang học ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (có lớp dành riêng cho các cháu) và sống cùng gia đình ở phố Khâm Thiên.
Nguồn: nhungdieuthuvi